Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân

Việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin thể hiện mạnh mẽ cam kết của Nhà nước đối với thông tin được công khai, đối với quyền tiếp cận thông tin của công dân. Bởi thế, việc xây dựng văn bản quy định chi tiết phải theo hướng Nhà nước bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình, còn người dân được tiếp cận tối đa các thông tin.

Theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin đang được Bộ Tư pháp soạn thảo, sẽ tăng cường công khai thông tin trên trang/cổng thông tin điện tử để người dân dễ tiếp cận.

Trước đó Luật Tiếp cận thông tin đã quy định về biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân là: Xác định đơn vị, cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin (Khoản 4 Điều 33). Cho nên dự thảo nghị định hướng dẫn luật phải quy định việc bố trí cán bộ đầu mối, nơi tiếp nhận và giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin của người dân. Quá trình xây dựng dự thảo Nghị định có 2 loại ý kiến khác nhau về vấn đề này:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, để thực thi Luật hiệu quả, thực chất, đối với một số cơ quan cần bố trí cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ đầu mối cung cấp thông tin cho công dân (Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), còn các cơ quan còn lại bố trí cán bộ kiêm nhiệm làm nhiệm vụ đầu mối cung cấp thông tin cho công dân. Theo Bộ Tư pháp, thực hiện theo phương án này sẽ làm tăng biên chế công chức trong điều kiện hiện nay đang thực hiện theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản bộ máy hành chính và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, trong điều kiện hiện nay chỉ nên bố trí hợp lý cán bộ kiêm nhiệm và tăng cường năng lực cho người làm đầu mối cung cấp thông tin kết hợp với tăng cường công khai thông tin trên trang/cổng thông tin điện tử, thiết lập hệ cơ sở dữ liệu khoa học, hợp lý mà không bố trí cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ đầu mối cung cấp thông tin cho công dân. Việc đăng tải thông tin trên các trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức sẽ tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm được nhiều chi phí cho cả phía các cơ quan và người dân. Bên cạnh đó, việc thực hiện theo ý kiến này cũng sẽ không làm tăng biên chế.

Tuy nhiên, không phải tất cả các cơ quan đều có trang/cổng thông tin điện tử nên theo Bộ Tư pháp cần có quy định nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra dù chưa có trang/cổng thông tin điện tử. Theo hướng này, dự thảo quy định cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin phải công khai thông tin thuộc phạm vi phải công bố công khai rộng rãi. Cùng với đó công khai các thông tin khác (không thuộc phạm vi thông tin công dân không được tiếp cận và thông tin tiếp cận có điều kiện) do mình tạo ra trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan mình. Trường hợp cơ quan chưa thiết lập được cổng/trang thông tin điện tử thì phải công khai trên cổng/trang thông tin điện tử của UBND cùng cấp hoặc của cấp trên.

Hiện Dự thảo Nghị định đang quy định theo loại ý kiến thứ 2, đồng thời có cơ chế linh hoạt theo hướng giao cho người đứng đầu đơn vị cung cấp thông tin có trách nhiệm phân công cán bộ, công chức tại đơn vị thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý yêu cầu và cung cấp thông tin cho công dân thông qua bộ phận một cửa, một cửa liên thông hoặc bộ phận tiếp công dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu, việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin thể hiện mạnh mẽ cam kết của Nhà nước đối với thông tin được công khai, đối với quyền tiếp cận thông tin của công dân. Bởi thế, việc xây dựng văn bản quy định chi tiết phải theo hướng Nhà nước bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình, còn người dân được tiếp cận tối đa các thông tin.

 Thứ trưởng Lê Tiến Châu cũng tán thành cách thức tiếp cận vấn đề là để các cơ quan phân loại, lập danh mục và ban hành danh mục. Trong danh mục, sẽ có thông tin mà khi truy cập vào trang/cổng thông tin điện tử, công dân tiếp cận được ngay, không phải qua thủ tục nào; có thông tin tiếp cận có điều kiện (qua phiếu yêu cầu); còn lại từng bước hình thành cơ sở dữ liệu thông tin (không trùng với các dữ liệu đang có) bằng cách cập nhật thường xuyên các thông tin.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin sẽ tiếp tục Bộ Tư pháp lấy ý kiến hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, thông qua

Lượt xem: 1.209
Nguồn:http://liendoanluatsu.org.vn/web/bao-dam-quyen-tiep-can-thong-tin-cua-nguoi-dan-1121.html Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật