Bàn thêm về thẩm quyền xét xử tái thẩm trong vụ án dân sự
Ths NGUYỄN MINH HÙNG (TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh) - Ngày 23/12, Tạp chí đã có bài “Điểm bất cập trong giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục tái thẩm” của Ths Thân Văn Nhường phản ánh bất cập và đề xuất hướng sửa điều luật về tài thẩm. Tác giả Nguyễn Minh Hùng có bài viết về cùng vấn đề nhưng đánh giá ở các góc độ khác, dù cùng hướng đề xuất, chúng tôi xin giới thiệu bài viết này cho nội dung bàn thảo thêm thấu đáo.
Điều 351 của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định: “Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Toà án, các đương sự không biết được khi Toà án ra bản án, quyết định đó”.
Tái thẩm khác giám đốc thẩm ở chỗ các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã làm hết trách nhiệm trong quá trình giải quyết vụ án và không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, các đương sự cũng đã xuất trình đầy đủ các chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình, nhưng sau khi vụ án đã được giải quyết và bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mới phát hiện có tình tiết mới có ý nghĩa quyết định đến việc thay đổi một cách cơ bản về nội dung của vụ án mà trước đó cả Tòa án cũng như các bên đương sự đều không thể biết được.
Điều 356 BLTTDS quy định về thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật tố tụng dân sự quy định; Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.
Theo quy định trên thì Hội đồng xét xử tái thẩm chỉ có quyền hủy bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, không quy định hủy một phần bản án là chưa đúng với thực tiễn khách quan khi xét xử tái thẩm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tác giả xin đưa ra ví dụ cụ thể của một vụ án như sau:
Bà Đỗ Thị Thúy H và ông Trần Quang T tự nguyện xây dựng gia đình năm 2005, có đăng ký kết hôn tại UBND phường 9, quận PN, Thành phố H. Sau khi kết hôn thì vợ chồng sống tại nhà chồng. Vợ chồng sống hạnh phúc đến năm 2010 thì phát sinh mâu thuẩn. Nguyên nhân là do hai bên bất đồng quan điểm về tính tình, cách sống, không có sự thống nhất. hai bên xác định ly thân từ năm 2013 cho đến nay. Bà H và ông T cùng thống nhất thuận tình ly hôn.
Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 249/2014/QĐST-HNGĐ ngày 10/6/2014, TAND quận PN, Thành phố H quyết định:
Về quan hệ vợ hôn nhân: Bà Đỗ Thị Thúy H và ông Trần Quang T thuận tình ly hôn. Về con chung: có 03 con chung tên: Trần Linh N, sinh ngày 14/4/2009 Trần Linh G, sinh ngày 14/4/2009; Trần Linh A, sinh ngày 16/3/2012 bà H trực tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cả 03 trẻ Linh N , Linh G và Linh A đến tuổi trưởng thành. Về tài sản chung: hai bên tự thỏa thuận, không yêu cầu tòa giải quyết.
Sau khi quyết định có hiệu lực pháp luật, ông T khởi kiện yêu cầu xác định con cho cha đối với cháu Linh A vì cháu Linh A không phải là con ông theo kết quả giám định AND giữa ông T và cháu Linh A không có quan hệ huyết thống Cha – Con (yêu cầu 01 phần trong quyết định); bà H cũng thừa nhận cháu Linh A không phải là con chung của bà H và ông T. Đây là tình tiết mới làm phát sinh căn cứ mới để xem xét theo thủ tục kháng nghị tái thẩm đối với quyết định nêu trên.
Tại quyết định tái thẩm số 27/2019/HNGĐ-TT ngày 28/02/2019 của Ủy ban thẩm phán TANDCC hủy 01 phần về con chung tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 249/2014/QĐST-HNGĐ ngày 10/6/2014,TAND quận PN, Thành phố H.
Sau khi ban hành quyết định tái thẩm nêu trên có quan điểm cho rằng quyết định ban hành thì có quan điểm cho rằng:
Quan điểm thứ nhất: Hội đồng xét xử tái thẩm đã hủy một phần giải quyết về con chung tại quyết định công nhận thuận tình ly hôn là chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 356 BLTTDS. Theo đó Hội đồng xét xử tái thẩm có quyền hủy quyết định để xét xử sơ thẩm lại, mà không quy định hủy một phần quyết định (so sánh với Điều 343 và Điều 345 BLTTDS về thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm thì mới có quy định hủy 01 phần bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật).
Quan điểm thứ 2: Hội đồng xét xử tái thẩm hủy 01 phần quyết định trên là đúng, tuy điều luật không quy định nhưng theo tình hình thực tế khách quan của từng vụ án xét xử tái thẩm mà hội đồng xét xử hủy toàn bộ hoặc hủy một phần để đảm bảo tính khách quan của vụ án.
Theo quan điểm của tác giả: Tác giả ủng hộ quan điểm thứ 2 vì: Hội đồng xét xử tái thẩm hủy 01 phần Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 249/2014/QĐST-HNGĐ ngày 10/6/2014, TAND quận PN, Thành phố H về phần con chung và giao về TAND quận PN giải quyết lại theo quy định của pháp luật là hoàn toàn đúng với thực tế khách quan của vụ án. Nếu Hội đồng căn cứ vào Điều 356 BLTTDS hủy toàn bộ quyết định trên thì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của đương sự như: Mối quan hệ hôn nhân của họ đã được cho ly hôn theo quyết định trên, giả thuyết nếu họ đã đi kết hôn mới; nếu hủy thì hậu quả của nó sẽ giải quyết như thế nào? Khi mối quan hệ hôn nhân cũ và mối quan hệ hôn nhân mới đang tồn tại song song nhau. Trong trường hợp này có vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng hay không, có trái với quy định của điểm c Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình không?
Với những mâu thuẫn như trên, tác giả đề nghị UBTVQH xem xét sửa nội dung Điều 356 BLTTDS cho phù hợp với thực tế xét xử của Tòa án. Đề nghị sửa đổi Điều 356 BLTTDS quy định về thẩm quyền quyền của Hội đồng tái thẩm Hội đồng tái thẩm:
Hội đồng xét xử tái thẩm có thẩm quyền sau đây:
1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; (giữ nguyên)
2. Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật tố tụng dân sự quy định; đề nghị sửa như sau “Hủy một phần bản án, hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm”;
3. Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án. (giữ nguyên).
Trên đây là các ý kiến pháp lý của tác giả đối với thẩm quyền xét xử tái thẩm trong vụ án Dân sự mà hội đồng xét xử tái thẩm còn vướng. Kính mong sự nhiệt tình đóng góp của quý chuyên gia pháp lý cũng như các bạn đọc giả để chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam.
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.