Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Con dấu doanh nghiệp: Doanh nghiệp sẽ được toàn quyền quyết định

Con dấu doanh nghiệp (DN) đã trải qua một “cuộc cách mạng” từ chỗ bắt buộc đến trao dần quyền quyết định cho DN sau các lần sửa đổi Luật DN. Tại lần sửa đổi này, nhà làm luật đã tiến đến một buớc xa hơn: Bỏ hẳn thủ tục DN thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD).

Con dấu doanh nghiệp: Doanh nghiệp sẽ được toàn quyền quyết định

 

Điều 44 Dự thảo Luật DN (sửa đổi) quy định: “DN có quyền quyết định có hoặc không có con dấu; Quyết định số lượng, hình thức và nội dung của con dấu DN, dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của DN. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do công ty, đơn vị khác của DN ban hành”.

Như vậy, so với quy định hiện hành (Luật DN 2014) thủ tục thông báo mẫu dấu đến cơ quan ĐKKD để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN đã không còn. 

Xung quanh nội dung này, đang có hai nhóm ý kiến góp ý khác nhau. Nhóm ý kiến đồng tình với quy định con dấu trong Dự thảo Luật cho rằng cần trao quyền cho DN tự quyết định xem có hay không việc sử dụng con dấu; bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu là giảm chi phí cho DN, cần sử dụng chữ ký điện tử thay cho con dấu.

Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị duy trì quy định con dấu như quy định hiện hành để phù hợp với đặc điểm tình hình của nước ta; không nên bỏ dấu vì đây là phương tiện để giao dịch, đề nghị cân nhắc để tránh phát sinh bất tiện và ràng buộc pháp lý cho DN.

Tại Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật DN (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức mới đây, trong khi có ý kiến đồng tình và cho rằng cần cắt giảm sâu hơn nữa các thủ tục hành chính cho DN thì vẫn có ý kiến tỏ ra băn khoăn với những quy định mới.

Ông Trần Thanh Chương, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Yên Bái cho rằng DN phải có con dấu để thể hiện pháp nhân. Luật sư Nguyễn Đăng Quang cũng đề nghị để lại quy định về con dấu như hiện nay vì thực tế cũng không vướng mắc gì, tuy có tăng chi phí của DN nhưng so với chi phí DN bỏ ra thì “không vấn đề gì”.

“Có một sự hiểu lầm khá phổ biến là Dự thảo bỏ con dấu của DN. Dự thảo Luật chỉ bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan ĐKKD. Sửa đổi này không phải là bãi bỏ hoàn toàn việc sử dụng dấu của DN mà chỉ khẳng định quyền tự quyết của DN trong việc có hoặc không có con dấu, quyết định sử dụng con dấu hay sử dụng phương tiện điện tử khác thay thế, chẳng hạn chữ ký điện tử”, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh. 

Ông Hiếu cũng cho rằng, con dấu bây giờ đã khác trước, nhất là trong bối cảnh CMCN 4.0. Nếu như trước đây con dấu là căn cứ xác nhận tính pháp lý thì giờ đây nó là biểu tượng của DN và thực tế đã có những vụ tranh chấp về con dấu rất phức tạp, kéo dài. “Ban soạn thảo nhận thấy thủ tục công bố con dấu không cần thiết, Nhà nước không nhất thiết can thiệp”, ông Hiếu nói.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình khi cho rằng bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu không chỉ có ý nghĩa trong việc cắt giảm chi phí không cần thiết, mà còn giúp DN ý thức rõ ràng hơn trong việc sử dụng con dấu, gia tăng độ an toàn trong giao dịch kinh doanh.

Cùng với Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Dự án Luật DN (sửa đổi) vừa được Kỳ họp Quốc hội thứ 8 cho ý kiến. Theo kế hoạch, hai Dự Luật này sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới, vào giữa năm 2020.

Lượt xem: 735
Tác giả: Tô My
Nguồn:https://baophapluat.vn/tu-van-365/con-dau-doanh-nghiep-doanh-nghiep-se-duoc-toan-quyen-quyet-dinh-483619.html Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật