Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Luật sư Nguyễn Chiến - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV trao đổi với Báo Chính phủ về việc: Thể hiện rõ tinh thần "vướng đến đâu, gỡ đến đó", phản ứng chính sách kịp thời

Trong những tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn bởi bối cảnh kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, phản ứng chính sách kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chỉ số đã có những tín hiệu đáng mừng.

Sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã mang lại kết quả tích cực về phát triển kinh tế xã hội

 

     Đánh giá sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm, Luật sư Nguyễn Chiến, nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV đã có một số ý kiến, nhìn nhận những kết quả, nỗ lực trong gỡ vướng cho doanh nghiệp, người dân, phục vụ sự phát triển đất nước.

 Chủ động rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách

     Với tinh thần chủ động, triển khai ngay kết luận của Trung ương, Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 74/NQ-CP chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; giải pháp tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực; thường xuyên theo dõi, đánh giá, nhận định rõ thời cơ, thách thức, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới cùng một số nội dung quan trọng khác như vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

     Ban hành các chính sách pháp luật phù hợp, phát huy hiệu quả trong thực tiễn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia với tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp.

     Thiết thực hành động "nói và làm", Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt tổ chức gần 600 cuộc họp, hội nghị. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 31 văn bản quy phạm pháp luật (19 nghị định và 12 quyết định của Thủ tướng Chính phủ), 77 nghị quyết của Chính phủ, 498 quyết định cá biệt và 27 công điện, 11 chỉ thị, 398 công văn. Thể hiện Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn kiên định với mục tiêu đề ra, năng động, đổi mới, sáng tạo trong quản lý, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, sâu sát thực tiễn.

     Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt phương châm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chủ động, kịp thời tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

     Nghị định số 08/2023/NĐ-CP thúc đẩy thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP giúp thị trường bất động sản thoát khỏi cơn trầm kha.

     Đồng thời, để đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất 06 tháng kể từ ngày 31/5/2023 đến ngày 30/11/2023 nhằm tác động mạnh mẽ đến việc phục hồi sản xuất, tạo đà cho sự phát triển kinh tế trong năm nay và những năm sau.

     Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 kịp thời khắc phục tồn tại, tháo gỡ khó khăn - Bất động sản lưu trú du lịch condotel sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu bảo đảm quyền lợi của người dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

     Để Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, các biện pháp, điều kiện bảo đảm, bảo vệ dữ liệu cá nhân được ban hành. Biện pháp mạnh về điều tra, tố tụng được giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giúp người dân yên tâm, chống tình trạng kẻ gian lợi dụng để lừa đảo, xâm phạm lợi ích của người dân.

Nỗ lực không mệt mỏi, không ngơi nghỉ

     Thủ tướng Chính phủ luôn đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo điều hành bằng những việc làm cụ thể; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính liêm chính, hành động, phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động.

     Với thông điệp "Cả nước chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội để giải quyết vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp. Điều này có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự thấu hiểu và quyết tâm hành động trong hành trình xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, phồn vinh, ấm no, hạnh phúc.

     Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. 

     Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho từng thành viên Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong cơ quan của mình và làm việc trực tiếp, nắm tình hình, giải quyết các vấn đề tại địa phương.

     Cụ thể, ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, rà soát, kịp thời cắt giảm, đơn giản hóa những quy trình, thủ tục không cần thiết; sửa đổi, bổ sung quy trình phân công và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, ngăn chặn việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện.

     Công việc của Chính phủ là vậy, sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi, không ngơi nghỉ trên khắp các lĩnh vực trong nước và quốc tế, phục vụ sự phát triển đất nước, phục vụ nhân dân.

     Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân vay tiền phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương xem xét sớm ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện.

     Nắm bắt thời cơ, phản ứng nhanh nhạy chỉ đạo điều hành thúc đẩy du lịch phục hồi phát triển, Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, khai thác hiệu quả các thị trường khách du lịch quốc tế có nhiều tiềm năng; phát triển các sản phẩm du lịch mới, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao để thúc đẩy du lịch phục hồi, phát triển bền vững quyết tâm thực hiện chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

     Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành cần tích cực, chủ động vượt mọi khó khăn, thách thức, tháo gỡ vướng mắc, tận dụng mọi thời cơ mới để có những điều chỉnh chính sách linh hoạt, kịp thời, căn cơ, đây sẽ là những tín hiệu tích cực để con tàu kinh tế Việt Nam vượt sóng, vươn ra biển lớn, đem lại kỳ vọng và niềm tin cho doanh nghiệp, người dân trong tình hình mới.

Luật sư Nguyễn Chiến

Nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV

Lượt xem: 108
Nguồn:https://baochinhphu.vn/the-hien-ro-tinh-than-vuong-den-dau-go-den-do-phan-ung-chinh-sach-kip-thoi-102230510080653632.htm Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật