Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trao đổi với Báo VOV Giao thông về vấn đề Dự thảo Luật Đấu giá tài sản: Có ngăn được “quân xanh, quân đỏ”?

Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu gá tài sản. Đáng chú ý, tại dự thảo Luật này, Bộ Tư pháp đã đề xuất một số biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng thông đồng, “quân xanh, quân đỏ”, dìm giá trong các phiên đấu giá tài sản.

     Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (gọi tắt là dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi) do Bộ Tư pháp soạn thảo gồm 3 Điều, gồm: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Quy định chuyển tiếp và Hiệu lực thi hành. So với Luật Đấu giá tài sản hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 24 điều, khoản và bổ sung 1 Điều mới.

     Cụ thể, dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi đã sửa đổi các quy định về các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá để bảo đảm phù hợp với tên gọi của các luật chuyên ngành, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

     Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi cũng quy định thời gian khóa đào tạo nghề đấu giá là 6 tháng. Đối với luật sư, công chứng viên, thừa phát lại có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên; người có thời gian làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp từ 5 năm trở lên… thì thời gian đào tạo nghề đấu giá được giảm một nửa.

     Đặc biệt, để khắc phục tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, tại dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, Bộ Tư pháp đã sửa đổi bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong đấu giá tài sản, gồm: nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá để trả giá cho người tham gia đấu giá khác đối với cùng một tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó; nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá để trả giá cho từ 2 người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản mà những người này là người tham gia đấu giá tài sản đó.

     Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi cũng bổ sung thêm đối tượng thuộc trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá, gồm: người có quan hệ gia đình (cha mẹ, vợ chồng, con cái...), người có liên quan là cá nhân, tổ chức theo quy định pháp luật về doanh nghiệp (công ty mẹ, công ty con...) trong cùng một tài sản đấu giá.

     Theo Bộ Tư pháp, quy định như trên sẽ góp phần đảm bảo tính khách quan, minh bạch, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá khi tham gia đấu giá.

     Để ràng buộc trách nhiệm của người trúng đấu giá, Bộ Tư pháp quy định: người trúng đấu giá tài sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến bị hủy kết quả đấu giá thì không được đăng ký tham gia đấu giá đối với tài sản đó trong thời hạn 1 năm kể từ ngày quyết định hủy kết quả đấu giá có hiệu lực. Trường hợp tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất thì người trúng đấu giá không được đăng ký tham gia đấu giá trong thời hạn 3 năm.

     Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi đã được Bộ Tư pháp xin ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương và xin ý kiến nhân dân. Dự kiến, dự luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10 năm nay.

Ảnh: chinhphu.vn

 

     Việc Bộ Tư pháp đề xuất nghiêm cấm một số hành vi, đối tượng tham gia đấu giá tài sản sẽ có những tác động xã hội như thế nào? Người  có tài sản đấu giá, Hội đồng đấu giá có vai trò như thế nào trong việc ngăn chặn tình trạng thông đồng, dìm giá? Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Nguyễn Văn Chiến, nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:

     PV: Thưa ông, một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo luật là việc mở rộng đối tượng không được phép tham gia đấu giá. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

     Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Thời gian qua, thực hiện Luật Đấu giá tài sản thì đã bộc lộ một số những hạn chế, bất cập, làm phát sinh tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động này.

     Do vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã mở rộng một số đối tượng không được tham gia đấu giá, nghiêm cấm một số chủ thể tham gia đấu giá là hết sức cần thiết.

     Hội đồng đấu giá là cốt lõi của hoạt động này, nó cần phải có những quy định nhằm bảo đảm hoạt động thực tiễn một cách công khai, minh bạch. Do đó, bên cạnh việc can thiệp các biện pháp xử lý đối tượng tham gia đấu giá, thì cần kết hợp các quy định về cơ chế quản lý, bảo đảm tính khách quan của phiên đấu giá cũng là hết sức cần thiết.

     PV: Với những quy định tại dự thảo, theo ông cần bổ sung những gì để nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng đấu giá?

     Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Dự thảo Luật cần bổ sung cụ thể những hình thức, những quyền, nghĩa vụ của Hội đồng đấu giá, để phù hợp với hoàn cảnh và thực tiễn.

     Ví dụ quyền thỏa thuận lựa chọn một trong 4 hình thức đấu giá, như: lời nói, bỏ phiếu trực tiếp, bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tuyến, để tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho tổ chức đấu giá, cũng như sự thuận tiện cho người có tài sản đưa vào đấu giá.

     Tóm lại đối với tổ chức đấu giá thì cần phải có quy định chặt chẽ, cụ thể để đáp ứng được những hình thức đấu giá mới cũng như quyền của người có tài sản đem đấu giá.

     PV: Thực tế không ít trường hợp người đấu giá và Hội đồng đấu giá đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành, nhưng tình trạng thông đồng, dìm giá vẫn diễn ra. Có cách nào để hạn chế tình trạng này?

     Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Muốn hạn chế được tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, hoặc thông đồng, lợi dụng thủ tục rút gọn hoặc các quy định về các tình huống đấu giá thì cần có những quy định để các tổ chức đấu giá, cũng như những người có tài sản đấu giá không thể bắt tay được.

     Nó đòi hỏi phải có các trình tự quy định về thủ tục rút gọn hoặc các thủ tục đấu giá công khai rất chặt chẽ, từ khâu chấp nhận hồ sơ để phòng tránh tình trạng doanh nghiệp thành lập các công ty con để có tính pháp nhân độc lập, nhưng thực chất chủ thể của những đối tượng đó thì lại có quan hệ với nhau. Vấn đề này đói hỏi thủ tục xét hồ sơ đấu giá ngay từ ban đầu cũng phải đặt ra trách nhiệm của các cơ quan bán hồ sơ đấu giá phải có một quy định bắt buộc phải rà soát và công khai những chủ thể đăng ký tham gia đấu giá.

     Thứ hai đòi hỏi cán bộ thực hiện hoạt động đấu giá này phải có năng lực, phải được rèn luyện những kỹ năng chuyên môn để xử lý với những hồ sơ có dấu hiệu thông đồng để dìm giá. Đồng thời cũng phải có những cơ chế để xử lý đối với những doanh nghiệp lập hồ sơ có yếu tố không minh bạch hoặc thông đồng để tạo ra “quân xanh, quân đỏ” nhằm trục lợi; cũng như để xử lý nghiêm những người thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Đấu giá, đối với trách nhiệm của các tổ chức đấu giá, cán bộ đấu giá.

     PV: Xin cảm ơn ông.

     Theo Bộ Tư pháp, trong thực tiễn tổ chức đấu giá tài sản phát sinh một số trường hợp người tham gia đấu giá tài sản là công ty mẹ, công ty con, công ty cùng là thành viên của tập đoàn, các công ty có cổ phần chi phối; hoặc bố, mẹ, anh, chị em, vợ, chồng cùng đăng ký tham gia mua một tài sản... dẫn đến kết quả đấu giá không đảm bảo tính khách quan, minh bạch, có thể xảy ra tình trạng thông đồng, dìm giá…

     Bởi vậy, việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, trong đó có việc bổ sung một số hành vi, đối tượng tham gia đấu giá trong cùng một tài sản đấu giá, được cho là sẽ khắc phục được những bất cập này.

     Bạn có ý kiến gì về các quy định mới của dự luật này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Lượt xem: 41
Nguồn:https://vovgiaothong.vn/newsaudio/du-thao-luat-dau-gia-tai-san-co-ngan-duoc-quan-xanh-quan-do-d34568.html?fbclid=IwAR1n_gBV2fdT4WLNCMdYaqKSnWe_DVb5uRnujBTP-B2QS8-RTLsnfT_ipZs Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật