Đại biểu QH: Luật sư có nguy cơ bị Bộ luật hình sự biến thành... tội phạm
Khoản 3 Điều 19 Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi quy định người bào chữa cho bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 BLHS.
Thảo luận tại Quốc hội sáng 24/5, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, phản đối gay gắt dự thảo này khi cho rằng quy định này làm đảo lộn giá trị nghề luật sư trong xã hội, vì bản chất của nghề luật sư là bào chữa và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Ông Chiến cho rằng: “Luật sư đi tố giác thân chủ khác nào cha đạo đi tố giác con chiên vừa xưng tội. Chỉ một vụ luật sư tố giác thân chủ thôi, xã hội có còn tin giới luật sư nữa hay không?”.
ĐBQH Nguyễn Văn Chiến đề nghị loại bỏ chủ thể luật sư ra khỏi quy định này.
Lý do được ông Nguyễn Văn Chiến đưa ra là luật sư bào chữa có chế định đặc thù do Hiến pháp và Luật Luật sư quy định, khác với bào chữa viên không chịu sự điều chỉnh của Luật Luật sư. Không thể đánh đồng luật sư với chủ thể bố mẹ, anh chị em của người phạm tội như quy định tại Dự thảo.
Ông Chiến cho rằng việc đưa chủ thể luật sư vào xử lý hình sự mà không có sự khảo sát, đánh giá tác động, tính nguy hại cho xã hội, cần điều chỉnh bẳng chế tài hình sự. Hành vi này có mức độ nguy hại thế nào, có coi là tội phạm và phải bị trừng trị bằng biện pháp hình sự hay không? Trong quá trình thực thi BLHS, luật sư đã có những vi phạm bị xử lý như thế nào?
Quy định này đẩy luật sư không những vi phạm điều cấm đối với luật sư theo điều luật Tố tụng hình sự, vi phạm Luật Luật sư, mà còn vi phạm quy tắc đạo đức nghề luật sư. Đó là cấm luật sư tiết lộ bí mật của thân chủ, không làm xấu đi tình trạng của khách hàng do mình bào chữa.
ĐBQH Nguyễn Văn Chiến dẫn chứng quy định này là vi hiến và xung đột với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể, Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình bào chữa. Nhưng Điều 19 Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi lại quy định người bào chữa phải tố giác tội phạm, là người do chính mình bào chữa, trong khi thực hiện việc bào chữa.
“Quy định này hoặc đẩy luật sư vi phạm Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự, hoặc Điều 19 BLHS chỉ là quy định trên... giấy, vì luật sư khi tham gia tố tụng bắt buộc phải thực hiện Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 vừa được Quốc hội khóa 13 thông qua”.
Ông Chiến cho ràng Điều 19 chỉ có tính khả thi đối với chủ thể luật sư khi BLHS sửa đổi có hiệu lực cần tiếp tục Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và BLHS. Do BLHS và Bộ luật Tố tụng hình sự có nội dung và hình thức song hành, không tách rời nhau, việc sửa luật này kéo theo sửa nhiều luật khác, tiêu tốn tiền thuế của dân, làm giảm uy tín của Quốc hội.
Sau khi luật này được thông qua, luật sư tranh tụng sẽ "mắc kẹt" giữa hai bộ luật và luật sư có thể trở thành tội phạm. Quy định này còn đẩy luật sư từ chỗ đang thực thi nhiệm vụ bào chữa cho thân chủ theo đúng quy định của pháp luật, bỗng dung lại trở thành người bị tình nghi phạm tội, ở vào vị trí cùng với thân chủ khi bị xác định xem xét trách nhiệm hình sự do không tố giác tội phạm.
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.