Đăng ký xe qua nhiều chủ: Thoáng nhưng không để “ hở”
Quy định đơn giản hóa thủ tục đăng ký xe mua bán qua nhiều đời chủ (Thông tư 12/2013/TT-BCA) được người dân đón nhận và đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, việc "thông thoáng" về mặt thủ tục sẽ phát sinh những bất cập, tạo ra những kẽ hở để có thể hợp thức hóa những xe gian, xe không rõ...
Quy định đơn giản hóa thủ tục đăng ký xe mua bán qua nhiều đời chủ (Thông tư 12/2013/TT-BCA) được người dân đón nhận và đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, việc "thông thoáng" về mặt thủ tục sẽ phát sinh những bất cập, tạo ra những kẽ hở để có thể hợp thức hóa những xe gian, xe không rõ nguồn gốc hoặc trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế theo quy định qua mỗi lần chuyển nhượng.
Thời gian gần đây, một trong những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm đó là quy định về phạt đối với vi phạm không chuyển quyền sở hữu (sang tên, đổi chủ) đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Chặn việc hợp thức hóa xe gian
Dư luận cho rằng những quy định về quyền sở hữu và chuyển quyền sở hữu đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự. Chính vì vậy, việc xử phạt chủ phương tiện không sang tên, đổi chủ khi tham gia giao thông hoàn toàn không đơn giản.
Theo quy định của pháp luật dân sự, các quyền dân sự của công dân như quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt trong một số trường hợp, luật cho phép chủ sở hữu được quyền giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng tài sản của mình mà không bị ràng buộc bằng văn bản. Mặc dù đây là quy định rất cần thiết cho công tác quản lý của Nhà nước, nhưng do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp đã hình thành thói quen mua bán trao tay của một bộ phận dân cư, việc sang tên, đổi chủ sau khi chuyển nhượng xe cũ thường bị lơ là, bỏ qua.
Chính vì vậy, số lượng xe cũ chuyển nhượng qua nhiều chủ chưa sang tên, đổi chủ chiếm tỷ lệ rất lớn. Nhiều cơ quan chức năng cũng phải thừa nhận rằng số lượng xe không được làm thủ tục sang tên đổi chủ nhiều như hiện nay xuất phát từ chính sách bất cập trong quá khứ. Hơn nữa, thủ tục rườm rà, lệ phí lại cao cũng khiến người dân không muốn sang tên, đổi chủ phương tiện dù quy định đã có từ rất lâu.
Để giúp người dân tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục cũng như giúp các lực lượng chức năng có cở sở pháp lý thực thi nhiệm vụ, ngày 1/3/2013, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 12/2013/TT-BCA sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 20 Thông tư 36/2010/TT-BCA quy định về đăng ký xe.
Đây là văn bản QPPL được người dân đón nhận và đồng tình ủng hộ bởi lẽ việc đăng ký xe đã được đơn giản hóa về mặt thủ tục và đã đưa ra hướng giải quyết đối với các xe đã chuyển nhượng qua nhiều người mà vẫn chưa sang tên, đổi chủ.
Theo quy định của Thông tư 12, bắt đầu từ ngày 15/4/2013 đến ngày 31/12/2014, nếu người đang sử dụng phương tiện không có chứng từ chuyển nhượng xe, khi đi làm thủ tục đăng ký xe mang tên chính chủ của mình thì chỉ cần 3 loại giấy tờ sau: Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã, nơi người đang sử dụng xe thường trú; Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định; Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký xe) thì sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu phương tiện mang tên chính chủ của mình.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 23/2013/NĐ-CP và Thông tư số 34/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về lệ phí trước bạ. Theo đó ôtô dưới 10 chỗ đăng ký lần hai trên toàn quốc đã đồng loạt giảm xuống mức 2% (trước đây, mức thu này ở nhiều địa phương lên đến 10 - 12%).
Việc giảm lệ phí trước bạ cũng thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhất là trong giai đoạn hiện nay, mặt bằng thu nhập của người dân còn rất thấp. Việc áp dụng quy định này về thuế trước bạ tại thời điểm đang ký xe hay thời điểm mua bán chuyển nhượng, và việc áp thuế trước bạ theo quy định mới đối với việc mua bán, chuyển nhượng thực hiện trước ngày Thông tư 34/2013/TT-BTC có hiệu lực và thời hạn vượt quá thời gian quy định đăng ký chuyển quyền sở hữu xe thì có áp dụng chế tài xử phạt theo quy định như thế nào cần thiết phải có hướng dẫ và thông báo cụ thể cho người dân biết và tự giác thực hiện.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, việc dễ dãi về mặt thủ tục có thể tạo ra những kẽ hở để từ đó người ta có thể hợp thức hóa những trường hợp xe gian, xe không rõ nguồn gốc.
Ví dụ, những trường hợp bị mất xe kèm theo giấy tờ xe hoặc những trường hợp nhờ người khác đứng tên đăng ký xe hộ mà không biết họ là ai (đối với những trường hợp trước đây do chính sách hạn chế đăng ký xe ở Hà Nội). Qua thời gian sử dụng họ bị kẻ gian lấy mất cả xe và giấy tờ.
Đối với những trường hợp này, xe gian có cơ hội trở thành xe hợp pháp mà chủ sở hữu thực sự của chiếc xe đó khó có thể biết được nếu như họ không trình báo việc mất xe tại cơ quan công an.
Trách nhiệm của cơ quan chức năng
Một vấn đề bất cập nữa cũng cần được xem xét, đó là Thông tư 11/2013/TT-BCA hướng dẫn việc xử lý phương tiện không sang tên đổi chủ chỉ thông qua việc đăng ký, cấp biển số, điều tra giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, các trường hợp bị tạm giữ phương tiện theo quy định hoặc qua điều tra các vụ án hình sự nếu phát hiện không làm thủ tục sang tên, đổi chủ thì cơ quan Công an ra quyết định xử phạt nếu quá 30 ngày làm giấy mua bán xe nhưng chưa sang tên, đổi chủ.
Thông tư 11/2013 có hiệu lực từ ngày 15/4/2013, nhưng nó chỉ có hiệu lực trong 2,5 tháng cho đến khi Nghị định mới ra đời (có hiệu lực từ ngày 1/7). Trong thời gian này, hành vi mua, bán xe không sang tên, đổi chủ nếu quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe sẽ bị xử phạt về hành vi “mua, bán xe không sang tên”, theo Nghị định 71/2013/NĐ-CP, mức phạt áp dụng đối với ô tô là từ 6 – 10 triệu đồng/lần vi phạm và xe máy là từ 800.000 - 1,2 triệu đồng/lần vi phạm.
Như vậy, trong khoảng thời gian Thông tư 11/2013/TT-BCA tồn tại, nếu bị phát hiện không làm thủ tục sang tên đúng hạn khi mua bán xe, sẽ bị xử lý phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 71/2013.
Như vậy, có thể sẽ xảy ra 2 trường hợp:
- Một là dựa vào Thông tư 12/2013/TT-BCA, người dân sẽ khai báo mất giấy tờ mua bán để kê khai lại nhằm tránh bị phạt lỗi không sang tên đổi chủ. Sau 30 ngày xác minh, họ vẫn được cấp giấy đăng ký. Như vậy sẽ làm mất thời gian điều tra, xác minh nguồn gốc xe của cơ quan chức năng (30 ngày đối với xe không rõ nguồn gốc và 2 ngày đối với xe rõ nguồn gốc), mặt khác gây thất thu thuế đối với Nhà nước.
- Hai là người dân sẽ không mặn mà lắm với Thông tư 12/2013/TT-BCA, bởi vì nếu đi đăng ký sang tên, đổi chủ xe thì sẽ phải nộp phạt theo Thông tư 11/2013/TT-BCA và Nghị định 71/2013/NĐ-CP. Thông tư 12/2013/TT-BCA đã tạo điều kiện cho người dân sang tên đổi chủ xe theo thủ tục đơn giản đến 31/12/2014. Đến hết thời gian này, cơ quan chức năng mới ra quy định xử phạt. Trong khi chờ có Nghị định mới, người dân sẽ không dại gì đi sang tên đổi chủ trong khi Thông tư 11/2013/TT-BCA đang có hiệu lực.
Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, trong quá trình thực hiện việc đăng ký xe theo Thông tư 12/2013/TT-BCA, ngoài việc cơ quan công an tra cứu trong tàng thư dữ liệu xe mất cắp, gian lận đối với các phương tiện không có chứng từ chuyển nhượng, cơ quan chức năng cần tuyên truyền rộng rãi đến từng người dân thông qua chính quyền cơ sở, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng vào những thời gian, địa điểm nhất định để nhân dân tiện theo dõi, kiểm tra, giám sát và có ý thức chấp hành pháp luật.
Bên cạnh đó cần xác minh bằng cách gửi thông báo cho chủ xe theo tên trên đăng ký và thông báo công khai tại nơi đăng ký xe. Đối với công an cấp xã, khi tiếp nhận giấy đăng ký sang tên, di chuyển xe phải có trách nhiệm kiểm tra kỹ đối tượng, xác minh chính xác địa chỉ đăng ký thường trú của người kê khai. Có như vậy, cơ quan chức năng mới có cơ sở để đăng ký sang tên cho chủ mới.
Thực hiện quy định sang tên, chuyển quyền sở hữu phương tiện trong các giao dịch dân sự vừa là quyền và nghĩa vụ nhằm đảm bảo lợi ích của người dân đối với tài sản là phương tiện do mình sở hữu. Đây cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm mà người dân cần ý thức được và nghiêm túc thực hiện.
Việc xác định quyền sở hữu tài sản là việc làm cần thiết. Đặc biệt quyền sở hữu tài sản là phương tiện giao thông lại càng có ý nghĩa đối với mỗi công dân. Nó sẽ là căn cứ để giải quyết các tranh chấp dân sự, giải quyết tai nạn, xe bị mất cắp, xe liên quan đến các vụ án hình sự.
Mặt khác, nó cũng được xem như một hình thức cung cấp thông tin với cơ quan quản lý hành chính Nhà nước để khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng có thông tin để truy nguyên nguồn gốc xe, từ đó đưa ra biện pháp xử lý phù hợp (phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ của cơ quan có thẩm quyền).
Đồng thời, việc đăng ký, sang tên ngay tại tời điểm người dân mua bán chuyển nhượng cũng là hình thức để người dân thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước và nhà nước tăng thu vào ngân sách trong điều kiện kinh tế khó khăn chung hiện nay.
Việc xử phạt hành vi không sang tên, đổi chủ là cần thiết, bởi đăng ký ô tô, xe máy vừa để bảo vệ quyền của chủ sở hữu, vừa giúp kiểm soát việc sử dụng phương tiện. Chế tài xử phạt chỉ là để không cho phát sinh các vi phạm mới nhưng cũng phải tạo điều kiện cho người dân đăng ký lại xe không chính chủ đang tồn tại hiện nay.
Các quy định mới này là giải pháp tổng thể, hữu hiệu để giải quyết những tồn tại, bất cập đã tích tụ từ nhiều năm nay trong công tác quản lý hành chính của các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước và giúp tăng cường hiệu lực quản lý phương tiện giao thông, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm quyền cơ bản của người dân về sở hữu đã được Hiến pháp quy định.
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.