Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Góc độ pháp lý từ các vụ xâm hại trẻ em

Trong thời gian qua, các vụ án xâm hại trẻ em xảy ra tại nhiều tỉnh, TP khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

“Không để kẻ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và có cơ hội tiếp tục xâm hại các cháu” – Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội nhấn mạnh trong bài viết gửi báo Kinh tế & Đô thị. 

 

 

 

 Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội (ngoài cùng bên phải) trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân tại quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Thái San

 

Ở Việt Nam, quy định pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em nói chung và bảo vệ quyền trẻ em khỏi sự xâm hại tình dục nói riêng tương đối đầy đủ. Công ước Quốc tế về quyền của trẻ em, Việt Nam tham gia rất sớm; Luật Chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được ban hành và đang thực thi trong đời sống xã hội; Bộ luật Hình sự hiện hành và dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đều có những quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với người có hành vi xâm phạm tình dục trẻ em.

 

Thực tiễn các tòa án Việt Nam đã xét xử và tuyên hình phạt rất nghiêm khắc đối với hành vi xâm phạm tình dục trẻ em. Tuy vậy, thực trạng xâm phạm tình dục đối với trẻ em thời gian qua vẫn không giảm mà ngày càng gia tăng với tính chất và mức độ nghiêm trọng, phức tạp hơn. Xét ở góc độ pháp lý, muốn xử lý về mặt hình sự nghi phạm phải có căn cứ vững chắc. Để có căn cứ xác định trẻ em có bị xâm hại hay không cũng rất khó khăn, bởi hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em không bắt được quả tang, không có người làm chứng, nhiều vụ bị hại còn quá nhỏ, nhận thức hạn chế. Thậm chí, nhiều gia đình có trẻ bị xâm hại có tâm lý xấu hổ, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình, sự phát triển tâm sinh lý và cuộc sống của trẻ sau này nên không trình báo cơ quan chức năng mà tự gặp nhau thương lượng, giải quyết. Bên cạnh đó, phải kể đến nguyên nhân từ những quy định của pháp luật về việc thu thập bằng chứng làm căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Cụ thể, ngoài lời khai, tố giác tội phạm của người bị hại, đại diện bị hại thì việc thu thập mẫu vật để giám định ADN không là quy định bắt buộc. Việc thu thập bằng chứng, chứng cứ ban đầu phụ thuộc vào kỹ năng, nghiệp vụ, nhận thức về sự cần thiết thu thập bằng chứng chứng minh tội phạm của mỗi cơ quan, điều tra viên khác nhau nên nhiều vụ án bằng chứng quan trọng, thu thập dấu vết tội phạm không được tiến hành kịp thời. Có những vụ khởi tố để xử lý nhưng chứng cứ thiếu, yếu nên không xử lý được...

Đối với những vụ án xâm phạm tình dục trẻ em xảy ra gần đây như báo chí phản ánh là có độ trễ của hoạt động điều tra xử lý tội phạm. Phải đến khi báo chí vào cuộc lên tiếng, cộng đồng xã hội bức xúc thì vụ án mới được nhanh chóng xem xét khởi tố điều tra. Điều này cần xác định nguyên nhân để rút kinh nghiệm và khắc phục.

Về lâu dài, để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, cần tuyên truyền nhận thức về pháp luật của người dân, kỹ năng nhận diện hành vi xâm hại và bằng chứng chứng minh tội phạm. Bên cạnh đó, lên án mạnh mẽ và có biện pháp xử lý chậm trễ, né tránh, sợ trách nhiệm cố tình để chậm trễ, không kịp thời xử lý tội phạm khi nhận đơn tố cáo tội phạm của người dân. Nâng cao chất lượng công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Đối với các vụ việc đã xảy ra, tập trung làm tốt công tác huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm, đồng thời kịp thời động viên, tư tưởng đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân; nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Đối với các vụ việc xảy ra nhưng còn tồn đọng, chưa giải quyết, sẽ tổ chức rà soát, hệ thống lại và tập trung lực lượng, phương tiện đẩy nhanh tiến độ điều tra, không để vụ việc phức tạp, kéo dài, gây bức xúc Nhân dân và cộng động xã hội. Đã đến lúc cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, xem việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em như chiến dịch ra quân phòng chống tội phạm ma túy, không để kẻ phạm tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và có cơ hội tiếp tục xâm hại các cháu.q

 

Ngày 28/3, Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên phối hợp tổ chức tọa đàm pháp lý chủ đề “Sửa đổi các tội danh xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng?” Nhiều ý kiến cho rằng, khái niệm hành vi “dâm ô” chưa có trong các quy định của pháp luật. Đây vẫn là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để áp dụng thực tế khi xét xử hành vi của loại tội phạm này.
Lượt xem: 939
Nguồn:http://m.kinhtedothi.vn/goc-do-phap-ly-tu-cac-vu-xam-hai-tre-em-284201.html Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật