Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Một vụ án hình sự vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Ngày 15/12/2003, hai anh em Quản Đắc Thúy, Quản Đắc Quý, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ) bị Công an Hà Tây khởi tố về hành vi dùng hung khí nguy hiểm là dao, tuýp sắt, gây thương tích 34,16% cho Đỗ Đăng Của trong vụ xô sát ngày 19/7/2003.

Lý do vụ xô sát là Của cùng với bố và người thân đã trắng trợn cướp đất của ông Quản Đắc Họp (bố của Thúy, Quý).  

Trả đi, đá lại nhiều lần

Thúy, Quý bị khởi tố theo khoản 3 điều 104 BLHS. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) thì đây được coi là hành vi có dấu hiệu cấu thành tội rất nguy hiểm, có thời hạn điều tra 4 tháng, và được gia hạn điều tra 2 lần, mỗi lần không quá 4 tháng. Như vậy, đến 15/4/2004 là hết hạn điều tra, và đến 15/12/2004 là hết thời hạn gia hạn điều tra lần 2.

Hai anh em Quản Đắc Thúy và Quản Đắc Quý

Cũng theo BLTTHS, thì hết thời hạn gia hạn điều tra lần 2 mà không chứng minh được tội, thì phải đình chỉ điều tra đối với bị can. Tuy đến ngày 15/12/2004 không chứng minh được Thúy, Quý phạm tội, nhưng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tây vẫn không đình chỉ điều tra đối với họ, mà tiếp tục kéo dài việc điều tra đến năm 2008.

Khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào TP Hà Nội, thì vụ án trên được chuyển về cơ quan CSĐT công an Hà Nội. Tuy biết rất rõ là CA tỉnh Hà Tây cũ vi phạm nghiêm trọng BLTTHS, nhưng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội không những không đình chỉ vụ án đối với hai bị can, mà còn tiếp tục vi phạm BLTTHS còn nghiêm trọng hơn, kéo dài việc điều tra đến năm 2015.

Không chỉ cơ quan CSĐT công an hai tỉnh Hà Tây, Hà Nội vi phạm nghiêm trọng những quy định của BLTTHS, mà VKSND và TAND của hai tỉnh trên cũng vi phạm nghiêm trọng những quy định của BLTTHS.

Theo quy định, thì VKSND và Tòa án, mỗi cơ quan chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá 2 lần. Nhưng trong vụ án này, đã có tất cả 22 lần hồ sơ bị VKSND và Tòa án trả lại. Cụ thể là VKSND tỉnh Hà Tây cũ trả hồ sơ 6 lần. VKSND Thành phố Hà Nội trả hồ sơ 8 lần. VKSND huyện Hoài Đức trả lại hồ sơ 4 lần và TAND huyện Hoài Đức trả lại hồ sơ 4 lần.

Có thể nói trong lịch sử tố tụng Việt Nam, chưa có vụ án nào có sự vi phạm những quy định của BLTTHS nghiêm trọng đến thế. Lạ hơn nữa là tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng đều cùng vi phạm. Phải chăng do không chứng minh được tội của Thúy, Quý, nên các cơ quan trên đã bất chấp pháp luật, kéo dài thời gian, để tìm cách buộc tội họ kỳ được?  

Nhiều điều vô lý

Chưa hết, vụ án còn nhiều vi phạm những quy định của BLTTHS khác nữa. Thứ nhất, bản kết luận giám định pháp y (KLGĐPY) số 2395/C21(P6) do Viện KHHS (Bộ CA) giám định, ghi thương tích của Đỗ Đăng Của là 34,16%, lại “do gia đình anh Của tự đi làm và nộp bản chính KLGĐ cho CA xã (xác nhận của trưởng CA xã Vân Côn)”. Thật là ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Thế mà một bản KLGĐPY như vậy lại được dùng làm căn cứ để khởi tố, truy tố và kết tội hai bị can?

Thứ hai, kết luận là Thúy, Quý dùng hung khí nguy hiểm là dao, tuýp sắt gây thương tích cho Đỗ Đăng Của, nhưng cơ quan CSĐT lại không thu hồi được những hung khí đó theo quy định của BLTTHS. Phải chăng, đúng như lời khai của ông Quản Đắc Họp, là trong cuộc xô sát ngày 19/7/2003, Thúy và Quý không có mặt ở hiện trường. Họ không dùng dao và tuýp sắt gây thương tích cho ai. Vì vậy dù có tìm mọi biện pháp, thì cơ quan CSĐT cũng không thể thu được.

Sau hàng loạt những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng như đã nói ở trên. Sau 14 năm, ngày 26/5/2017, TAND huyện Hoài Đức mới mở phiên tòa xét xử vụ án trên. Tại phiên tòa này, HĐXX lại tiếp tục có những vi phạm BLTTHS khác.

Bản án có dấu hiệu oan của TAND huyện Hoài Đức

Thứ nhất, là HĐXX đã cố ý không triệu tập 9 người được xác định là nhân chứng của vụ án, đến tòa. Thấy vậy, 4 LS bào chữa cho Thúy, Quý, đã đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa. Sau nhiều lần đề nghị nhưng không được HĐXX chấp nhận, 4 LS đã bỏ về để tỏ thái độ phản đối.

 Thứ hai, là theo quy định của BLTTHS, thì bị cáo được quyền tranh tụng với đại diện VKS mà không bị hạn chế về thời gian. Nhưng họ đã liên tục bị chủ tọa phiên tòa ngắt lời trong phần tranh tụng.

Việc áp dụng điều luật để kết tội hai bị cáo cũng khiến dư luận bức xúc. Cáo trạng của VKSND huyện Hoài Đức truy tố Quản Đắc Thúy “dùng tuýp sắt vụt trúng ngón tay trỏ bàn tay phải của anh Của”. Chỉ thế thôi, ngoài ra cáo trạng không nêu thêm một hành vi nào khác. Nhát vụt đó không có trong KLGĐPY, nghĩa là nhát vụt đó không gây nên một phần trăm thương tích nào cho Đỗ Đăng Của.

Trong khi khoản 1 điều 104 BLHS thì quy định phải gây thương tích 11% đến 30% mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thương tích dưới 11% cũng bị truy cứu nhưng phải thuộc 1 trong 10 hành vi được ghi trong khoản 1. Nhát vụt của Thúy không gây cho bị hại một % thương tích nào. Hành vi của Thúy cũng không nằm trong 10 hành vi được quy định tại khoản 1.

Lẽ ra theo nguyên tắc xét xử có lợi cho bị cáo, thì HĐXX phải tuyên Thúy vô tội. Thế nhưng HĐXX lại áp dụng điều 20 BLHS (đồng phạm), để buộc Thúy phải chịu trách nhiệm về thương tích 34,16% của Đỗ Đăng Của, và tuyên phạt Thúy 5 năm tù. Còn Quản Đắc Quý cũng bị HĐXX tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Mới đây, trả lời báo chí, LS Nguyễn Chiến, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm đoàn LS TP Hà Nội, đã khẳng định là vụ án này có dấu hiệu oan, vì “Vụ án kéo dài đã 14 năm, có đến hơn 10 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng những vấn đề mấu chốt để chứng minh tội phạm của vụ án vẫn không đầy đủ. Chính thời gian tố tụng của vụ án đã nói lên sự thật khách quan của vụ án là đâu”.

Hiện tại, hai bị cáo Quản Đắc Thúy, Quản Đắc Quý đã chống án lên TANDTP Hà Nội, và tòa đã thụ lý. Hy vọng trong phiên phúc thẩm, họ sẽ được hưởng một bản án công minh hơn.

Lượt xem: 1.313
Nguồn:http://nongnghiep.vn/mot-vu-an-hinh-su-vi-pham-to-tung-nghiem-trong-post200528.html Sao chép liên kết