Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

PHẢN BIỆN VÌ SAO PHẢI HỦY BỎ KHOẢN 3 ĐIỀU 19 DỰ THẢO BLHS 2015

Gần đây, có một số luật sư đồng nghiệp cho rằng không nên kiến nghỉ hủy bỏ khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 mà kiến nghị sửa giữ lại đoạn đầu của điều khoản: "Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi làm nhiệm vụ bào chữa". Bởi vì các đồng nghiệp cho rằng nếu giữ lại quy định như vậy là hữu hiệu cho chúng ta vì đây là việc BLHS công nhận đặc quyền cho riêng người bào chữa không có trách nhiệm phải tố giác tội phạm đối với chính thân chủ của mình.

Tôi cho rằng ý kiến này chưa phù hợp, mà nên hủy bỏ toàn bộ khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 vì:

- Thứ nhất, khoản 1 Điều 19 đã quy định: "Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm...". Như vậy quy định của điều khoản này không giới hạn bất kỳ chủ thể công dân nào kể cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ...và dĩ nhiên cả luật sư đều có trách nhiệm phải tố giác tội phạm. Quy định này áp dụng cho tất cả mọi người với tư cách công dân. Khi luật sư không bào chữa thì luật sư chỉ là công dân nên bắt buộc phải tuân thủ quy định này là đúng!

- Thứ hai, việc nhà làm luật bỗng nhiên luật hóa đưa thêm quy định 01 chủ thể riêng biệt là người bào chữa tại khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 là đã tạo ra quy định mâu thuẫn với chính khoản 1 Điều 19. Đồng thời vi phạm nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Tại sao không quy định ĐTV, KSV...cũng phải chịu trách nhiệm hình sự như đối với Người bào chữa theo quy định tại khoản 3 Điều 19 nếu có thông tin về tội phạm? Thực tế, có nhiều vụ án ma túy, bị can khai trước đây đã có nhiều lần mua bán, vận chuyển ma túy với trọng lượng lớn A, B, C... nhưng không có cơ sở xác định thì ĐTV cũng chỉ kết luận đối với hàm lượng ma túy điều tra trong vụ án mà thôi, thế thì bị can khai nhiều lần trước đó như vậy, tương tự như khai với Người bào chữa của mình, ĐTV có phải tố giác không? Mở rộng ra, Thanh tra phát hiện tham nhũng nhiều tỷ đồng, trước khi chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có phải tố giác không vì họ cũng được tiếp nhận thông tin tội phạm rồi? Tại sao chỉ quy định mỗi chủ thể Người bào chữa tiếp nhận thông tin phải tố giác dù đó là tội gì?

- Thứ ba, mọi người đang nhầm lẫn ở chỗ: khi chúng ta là công dân, chúng ta phải có trách nhiệm tố giác tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 19 BLHS 2015. Tuy nhiên khi chúng ta đang bào chữa thì chúng ta có vai trò của người bào chữa, chứ không phải công dân nên chúng ta phải chịu sự điều chỉnh của BLTTHS, Luật luật sư, Quy tắc đạo đức & ứng xử nghề nghiệp Việt Nam - tức là nghĩa vụ phải giữ bí mật thông tin khách hàng, không chống lại, làm xấu hơn tình trạng của thân chủ.

Do vậy, nếu chỉ để thiết kế điều luật như đề cập của một số luật sư giữ lại đoạn đầu khỏan 3 Điều 19 là thừa vì đặc quyền này đã được quy định tại Luật Luật sư, BLTTHS và Quy tắc đạo đức nghề rồi. Hơn nữa, chúng ta bảo cứ giữ lại cho chúng ta thì lại cần thiết phải bổ sung quy định đặc quyền ấy cho các chủ thể như ĐTV, KSV... mới bảo đảm công bằng.

Nói tóm lại Điều 19 BLHS 2015 chỉ thiết kế giữ đúng quy định khoản 1 và khoản 2 là đủ, phải loại bỏ khoản 3 ra ngoài.

Ls Trần Hồng Phúc
Lượt xem: 957
Nguồn:https://www.facebook.com/hongphuc.tran.370/posts/1164480420364310 Sao chép liên kết