Tái cấu trúc và việc phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập
Cấu trúc doanh nghiệp hiểu theo nghĩa hẹp là cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy tổ chức trong một doanh nghiệp.
Cấu trúc doanh nghiệp là gì?
Cấu trúc doanh nghiệp hiểu theo nghĩa hẹp là cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy tổ chức trong một doanh nghiệp. Pháp luật quy định mỗi lại hình doanh nghiệp có một cấu trúc khác nhau. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, cấu trúc bộ máy hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc/ Tổng giám đốc và Ban kiểm soát (nếu có); Cấu trúc bộ máy hoạt động của công ty cổ phần gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc/ Tổng giám đốc, Ban kiểm soát (nếu có). Luật doanh nghiệp quy định chung như vậy nhưng mỗi doanh nghiệp, tùy điều kiện hoàn cảnh, cụ thể hóa việc tổ chức và hoạt động của bộ máy quản trị và điều hành của doanh nghiệp mình.
Vì công ty là một thể thống nhất nên các cơ quan trong bộ máy hoạt động của doanh nghiệp có mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau. Pháp luật quy định quyền, nghĩa vụ nói chung của từng cơ quan. Và công ty đã cụ thể hóa những quy định này vào điều lệ công ty, các quy chế nội bộ công ty. Một cấu trúc công ty được xây dựng là một cấu trúc cân bằng được lợi ích giữa chủ sở hữu công ty, những người quản lý điều hành và những người liên quan đến công ty.
Tái cấu trúc là gì?
Tái cấu trúc được hiểu là quá trình tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp nhằm tạo ra trạng thái tốt hơn cho doanh nghiệp để thực hiện được các mục tiêu đặt ra. Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp có thể có rất nhiều lần tái cấy trúc. Bởi, tùy giai đoạn, mỗi doanh nghiệp xây dựng chiến lược và mục tiêu phát triển khác nhau. Tái cấu trúc có thể thay đổi một mảng hoặc toàn bộ doanh nghiệp. Rộng hơn khái niệm tái cấu trúc là khái niệm tổ chức lại doanh nghiệp. Tổ chức lại doanh nghiệp là việc thay đổi cơ bản trong doanh nghiệp, thể hiện thông qua các hoạt động như mua bán, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp.
Tại sao phải tái cấu trúc?
Việt Nam gia nhập WTO năm 2005, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế nhưng đồng thời phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Để tồn tại và phát triển trên sân chơi bình đẳng này, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tiến hành cải tổ lại cơ cấu. Việc cải tổ hay kiện toàn bộ máy hoạt động của doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp tranh thủ thời cơ, vượt qua thời gian khó khăn để phát triển.
Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc tái cấu trúc doanh nghiệp. Chỉ khi doanh nghiệp thực sự rơi vào nợ nần, khủng hoảng thì những nhà quản trị mới lên kế hoạch cải tổ lại cơ cấu tổ chức. Đôi khi việc làm này trở nên vô nghĩa vì đã quá trễ để cứu vãn tình hình. Điều này cho thấy sự không linh hoạt của các nhà quản trị doanh nghiệp. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp làm ăn trì trệ kéo dài, thậm chí rơi vào tình trạng khủng hoảng và hậu quả xấu nhất là công ty bị phá sản.
Vậy, thời điểm nào là thích hợp để tiến hành tái cấu trúc?
Một câu hỏi được đặt ra là: có phải chỉ khi doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng thì mới tiến hành tái cấu trúc? Câu trả lời là không. Việc cấu trúc lại bộ máy quản lý doanh nghiệp cần tiến hành có chu kỳ. Tùy vào tình hình thực tế của doanh nghiệp, tùy vào môi trường bên ngoài doanh nghiệp, tùy vào thành công hay thất bại của lần tái cấu trúc trước đó mà chu kỳ tái cấu trúc của các doanh nghiệp có thể nhanh hay chậm. Tuy nhiên, dù nhanh dù chậm thì việc tái cấu trúc doanh nghiệp đều rất cần thiết. Các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch tái cấu trúc cụ thể và phải coi đó là một công việc không thể thiếu trong quá trình quản trị doanh nghiệp.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, các doanh nghiệp cần có kế hoạch và phương án tái cấu trúc phù hợp. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp thực sự rơi vào hoàn cảnh suy giảm về tài chính hoặc rơi vào trường hợp như thị phần giảm, doanh thu giảm, lợi nhuận giảm, tính thanh khoản của tài khoản giảm, sự không thỏa mãn của nhân viên, sự vi phạm nội quy và kỷ luật tràn lan của nhân viên công ty… thì vấn đề cấu trúc lại bộ máy hoạt động càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Các nội dung tái cơ cấu?
Về cơ bản, việc tái cấu trúc doanh nghiệp bao gồm các nội dung sau: Điều chỉnh cơ cấu các hoạt động (xây dựng kế hoạch và quản lý kế hoạch); Điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy (sửa đổi điều lệ, xây dựng quy chế tổ chức và các hoạt động của phòng ban trong doanh nghiệp và việc phối hợp hiệu quả hoạt động của các phòng ban vì một mục tiêu chung); Điều chỉnh cơ cấu thể chế (Việc ra quyết định và thực hiện quyết định, việc tổ chức); Điều chỉnh cơ cấu các nguồn lực. Các nhà lãnh đạo là người hiểu rõ nhất về những cơ hội mà doanh nghiệp đang có; Những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt; Những ưu điểm của doanh nghiệp trong quá trình cải tổ; Những khó khăn của doanh nghiệp khi cải tổ. Vì vậy, họ phải là những người chủ động trong công việc này.
Việc tái cấu trúc doanh nghiệp chính là việc xây dựng cơ chế phân chia quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích của các cơ quan quản trị, các phòng ban cũng như các chức danh quản lý, các chức danh điều hành. Việc xây dựng này chính là quy trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của Hội đồng quản trị và Giám đốc/ Tổng giám đốc đến đâu? Giám đốc nên là chủ sở hữu của công ty hay đi thuê ngoài? Tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc như thế nào? Số lượng thành viên Hội đồng quản trị bao nhiêu là đủ? Tiêu chuẩn và điều kiện làn thành viên Hội động quản trị quy định gì? Thành viên Hội đồng Quản trị có thể kiêm các chức danh quản lý khác (Giám đốc/ trưởng phòng…) hay là thành viên độc lập? Tổ chức các phòng ban trong công ty như thế nào? Quy chế phối hợp giữa các phòng ban như thế nào là hợp lý? Cơ chế nào để quản lý và phát huy năng lực của nhân viên công ty? Nói một cách tổng quát, tái cấu trúc doanh nghiệp là việc các nhà quản trị doanh nghiệp phải tìm được mô hình quản lý và điều hành phù hợp nhất đối với tình hình doanh nghiệp tại thời điểm tái cấu trúc..
Trong quá trình tái cấu trúc đó, các nhà quản trị có thể tìm đến các nhà tư vấn để tìm được lời khuyên có ích cho công việc của họ.Việc tái cấu trúc đòi hỏi các nhà quản trị phải có cái nhìn tổng quát về mọi lĩnh vực kinh tế và luật pháp. Đa phần các nhà quản trị daonh nghiệp rất am tường về kinh tế. Tuy nhiên việc phân định quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm, phương thức ra quyết định và phương thức thực hiện phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Vì vậy, các nhà quản trị phải nghiên cứu kỹ càng các lĩnh vực mà pháp luật điều chỉnh.Trong hoạt động này, tốt hơn hết là các nhà quản trị nên hợp tác với các văn phòng luật sư, các công ty luật. Bởi, trên hết các luật sư, các luật gia là những người hiểu rõ các quy phạm pháp luật và biết vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật vài tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Cơ chế phối hợp linh hoạt giữa nhà tư vấn và nhà lãnh đạo sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra giải pháp tối ưu để tận dụng thời cơ, vượt qua khủng hoảng để phát triển
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.