Xa rồi “án tại hồ sơ” nhìn từ vụ án Trương Hồ Phương Nga!
"Quan sát vụ án hình sự Trương Hồ Phương Nga từ ngày 22/6/2017 đến ngày 29/6/2017, lần đầu tiên chúng ta có thể nhận thấy sự kết hợp rõ nét giữa mô hình tố tụng thẩm vấn và mô hình tố tụng tranh tụng trong một vụ án hình sự. Phiên tòa này dường như đã làm mờ nhạt mô hình tố tụng thẩm vấn truyền thống vốn chỉ biết dựa vào hồ sơ và xét xử theo lối mòn xưa cũ: “Án tại hồ sơ”", luật sư Trần Hồng Phúc phân tích.
Điểm nổi bật của tố tụng thẩm vấn thường chỉ tiến hành dưới các bút lục viết có trong hồ sơ vụ án, mang tính bí mật, sau đó mới được đưa ra thẩm vấn tại phiên tòa theo quan điểm lựa chọn của người xét xử trên cơ sở đề cao nguyên tắc sử dụng sự nhận tội của bị cáo làm chứng cứ quyết định nhưng giờ đây không còn thấy ở phiên tòa này nữa, thay vào đó phiên tòa được HĐXX điều hành theo một chiều hướng tố tụng tích cực, dân chủ, tiến bộ, tôn trọng các quyền và buộc thực hiện nghĩa vụ đối với tất cả các đương sự trong vụ án.
Thông thường, đối với mô hình tranh tụng, không tồn tại một hồ sơ vụ án bắt buộc và chính thức nào của vụ án để HĐXX tiến hành tố tụng, mà dành quyền cho bên buộc tội và bên gỡ tội tự xây dựng và đưa ra phiên tòa hồ sơ của mình để thực hiện chức năng buộc tội và gỡ tội. Nhìn lại, có vẻ như tại phiên tòa này, không chỉ thấy một hồ sơ vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập trong giai đoạn điều tra, truy tố của vụ án mà HĐXX đã biết chấp nhận “hồ sơ bào chữa” của người bào chữa do họ tự thu thập và lập nên để thực hiện vai trò gỡ tội của mình.
Bị cáo Trương Hồ Phương Nga tại phiên toà.
Theo đó, việc HĐXX cho phép đưa ra tố tụng tại phiên tòa các đồ vật, tài liệu viết, file ghi âm, bản ảnh, vi bằng do người làm chứng, người bào chữa cung cấp, đồng thời áp dụng biện pháp dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, thực hiện thẩm vấn đối chất... là những điểm ưu việt chứng minh tính công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện trong xét xử. Sự văn minh của phiên tòa này còn thể hiện trong quá trình tranh tụng, các bên có quyền và nghĩa vụ bình đẳng trong việc đưa ra các đồ vật, tài liệu, lý lẽ chứng minh sự thật của vụ án.
Từ trước đến nay, các thức tố tụng thẩm vấn thường thấy ở nhiều phiên tòa hình sự là những người tiến hành tố tụng chỉ tập trung chú ý suy đoán có tội đối với người bị buộc tội, sử dụng sự nhận tội trong lời khai của bị cáo để làm căn cứ kết tội, nhưng ở phiên tòa này, bị cáo thực hiện quyền im lặng khi cần thiết, quyền không khai báo những gì bất lợi chống lại mình, nên trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan công tố, phán quyết của HĐXX được dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Do đó, quyền bào chữa của các bị cáo đã được ghi nhận và khẳng định. Đây là một phiên tòa nổi bật, tạo dấu ấn thành công trong chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của nhà nước.
Có thể thấy, khi mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn truyền thống biết kết hợp với “nguyên tắc tranh tụng”, “nguyên tắc suy đoán vô tội”, “nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa” thì mục tiêu của tố tụng hình sự là tìm ra sự thật khách quan của vụ án luôn được bảo đảm. Có lẽ bài học kinh nghiệm lớn nhất rút ra từ vụ án là cơ quan xét xử chỉ cần tôn trọng, duy trì và thực hiện tốt các nguyên tắc này thì sẽ không có án oan, sai!
Đúng là không có giá nào mua được niềm tin công lý nhưng rõ ràng có thước đo của sự lương thiện ở rất nhiều người mà chúng ta đã nhìn thấy tại phiên tòa này. Hơn hết, đó là sự tham gia tố tụng đầy trách nhiệm của luật sư và sự công tâm của Hội đồng xét xử vụ án!
Luật sư Trần Hồng Phúc (Công ty Luật TNHH và Thực hành luật Nguyễn Chiến)
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.