Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường

Liên quan đến trách nhiệm bồi thường của các cơ quan tiến hành tố tụng đã gây ra thiệt hại và trách nhiệm xin lỗi - đại biểu Nguyễn Chiến (TP Hà Nội) cho rằng: “Chúng ta phải xuất phát từ việc vai trò trách nhiệm của từng cơ quan để từ đó xác định trách nhiệm ai là người chịu trách nhiệm xin lỗi, ai là người phải liên đới bồi thường”.

Sáng 31-5, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), các đại biểu đều đồng ý về sự cần thiết phải sửa đổi Luật này để bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật và để tăng cường trách nhiệm thi hành công vụ kỷ luật, kỷ cương, đồng thời không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.

Thảo luận về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần kế thừa nguyên tắc bồi thường như quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và các luật có liên quan, theo đó, bên cạnh cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thì được kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong quá trình tố tụng hành chính, tố tụng hình sự; đồng thời, người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường. Bên cạnh đó, có ý kiến tán thành nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, tức là chỉ quy định một cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.

 

 

Đại biểu Nguyễn Chiến (TP Hà Nội) ý kiến tại hội trường Quốc hội, sáng 31-5.

Báo cáo giải trình, tiếp thu của Thường vụ Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng kế thừa các quy định về kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hành chính, tố tụng hình sự; đồng thời, quy định người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng người bị thiệt hại cùng một lúc yêu cầu nhiều cơ quan giải quyết bồi thường, dự thảo Luật đã bổ sung nguyên tắc người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp nhưng khi cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý yêu cầu bồi thường thì người đó không được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết bồi thường, trừ trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 52 của dự thảo Luật.

Đối với việc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, qua tổng kết thực tiễn cho thấy, mặc dù nội dung này đã được Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành quy định nhưng Luật Khiếu nại năm 2011 không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại nên cho đến nay chưa có trường hợp nào giải quyết bồi thường theo thủ tục nói trên. Hơn nữa, giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại cũng là cơ chế giải quyết theo thủ tục hành chính, do đó đối với trình tự giải quyết bồi thường nhà nước ngoài tố tụng thì nên tập trung vào một cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho phép không quy định việc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại.

Đề nghị nên có sự rà soát bổ sung các trường hợp khác thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước trong từng lĩnh vực được pháp luật quy định để bảo đảm tính bao quát như các đại biểu khác ý kiến. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, hiện nay nhiều trường hợp cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ của mình tắc trách, không quan tâm đến lĩnh vực mà người dân cần.

Đại biểu Phạm Văn Hòa thí dụ như việc thực hiện cấp quyền sử dụng đất, cấp giấy phép kinh doanh, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xét xử thi hành án dân sự, có những trường hợp kéo rất dài thời gian, đã qua luật định về Luật Khiếu nại, tố cáo nhưng cũng không giải quyết được.

Theo đại biểu Văn Hòa, như vậy phần thiệt hại của công dân nếu không đưa vào luật để bồi thường thì thiệt hại của người dân rất lớn. Phần thiệt hại của công dân nên cần phải có sự cân nhắc và đây cũng là tính nhân văn, thể hiện quyền con người..

Có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc nguyên tắc “thương lượng” trong quá trình bồi thường quy định tại Khoản 2; cân nhắc quy định tại Khoản 4 về trách nhiệm của Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giải quyết bồi thường nói chung và bồi thường nhà nước nói riêng đều cần bảo đảm tôn trọng nguyên tắc tự thỏa thuận của các bên, do đó việc ghi nhận nguyên tắc “thương lượng” trong quá trình giải quyết bồi thường như quy định tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật là cần thiết. Quy định Nhà nước chỉ bồi thường sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi tại khoản 4 Điều 4 dự thảo Luật cũng phù hợp với nguyên tắc bồi thường thiệt hại của Bộ luật Dân sự. Vì vậy đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Đồng tình với quy định là việc bồi thường nhà nước cần tuân thủ nguyên tắc thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề xuất, việc thương lượng nếu có, phải mang tính nhân văn.

“Nghĩa là thương lượng để thúc đẩy quá trình bồi thường nhanh hơn, có lợi cho nhân dân hơn. Chứ không phải đem thương lượng ra để nhằm giảm bớt nghĩa vụ bồi thường”- đại biểu Huỳnh Sang nêu rõ.

Theo vị đại biểu này, qua thực tiễn việc thương lượng giải quyết bồi thường đối với những người bị oan, bị thiệt hại luôn tạo ra một cảm giác là cơ quan chức năng liên quan, “cò kè” thêm bớt với người dân và người dân đã bị thiệt hại rõ ràng, mà cứ bị “thương lượng” nhằm giảm bớt các khoản bồi thường. Đến khi người dân không thể theo được nữa nên buộc họ phải chấp nhận mức bồi thường cơ quan nhà nước đưa ra. “Như vậy là không công bằng, có thể đây là một kẽ hở, dễ bị lợi dụng, cũng như dễ lạm dụng trong quá trình bồi thường”.

“Do vậy, cần có quy định cũng như giải trình rõ ràng, cụ thể hơn về thời gian, quyền, trách nhiệm của bên thương lượng bồi thường, cũng như quyền, trách nhiệm của người được thương lượng bồi thường trong quá trình bồi thường để bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và công dân” - đại biểu Huỳnh Sang đề nghị.

Lượt xem: 974
Nguồn:http://www.nhandan.com.vn/phapluat/item/33026602-xac-dinh-ro-co-quan-chiu-trach-nhiem-boi-thuong.html Sao chép liên kết