Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Ý kiến của LĐLSVN: Về một số vấn đề lớn của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13

Vừa qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức cuộc họp góp ý dự thảo Báo cáo về một số vấn đề lớn của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, tham dự cuộc họp có đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tại cuộc họp, đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN), Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn, Ủy viên Ủy ban tư pháp của Quốc hội bày tỏ ý kiến cơ bản nhất trí với các nội dung mà Ủy ban Tư pháp đưa ra. Tuy nhiên, liên quan đến quyền hành nghề của luật sư vẫn còn một số điều còn có ý kiến khác nhau, các luật sư không đồng tình điều luật quy định không phù hợp cả về mặt khoa học và thực tiễn, và còn xung đột với các quy định của pháp luật tương phản Bộ luật Tố tụng hình sự vừa được Quốc hội thông qua năm 2015. Cụ thể là:

Tại Điều 382, LĐLSVN đề nghị không quy định chủ thể là người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này, bởi lẽ: Người bào chữa là chủ thể thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự là chức năng gỡ tội. Vào thời điểm thu thập, cung cấp chứng cứ, có thể người bào chữa không thể xác định được tài liệu đó là có sai sự thật hay không, mức độ sai sự thật đến đâu. Quá trình xác định sự thật của vụ án còn phụ thuộc vào quá trình xem xét, đánh giá chứng cứ của Tòa án quyết định sử dụng chứng cứ đó để buộc tội hay gỡ tội, không thuộc thẩm quyền quyết định của người bào chữa, hành vi không gây hậu quả để cấu thành tội phạm hình sự nên họ không thể phải chịu trách nhiệm về hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật. Việc quy định nếu chỉ có hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật, (vậy cấp độ, mức độ sai sự thật đến đâu, có gây hậu quả thế nào mới phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Có cần xử lý hành chính, rồi mới xử lý hình sự…quy định như vậy không phù hợp với thực tế. Cấu thành tội phạm mức độ nguy hiểm của việc cung cấp tài liệu không thuộc quyền quyết định của luật sư. Tội danh này thuộc loại tội cấu thành vật chất nên không có hậu quả, mới chỉ cung cấp tài liệu là không phù hợp khoa học pháp lý về mặt lý luận.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch LĐLSVN cho rằng, người bào chữa có quyền bình đẳng trong việc thu thập và đưa ra chứng cứ, tài liệu để gỡ tội, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo, cũng như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm thu thập chứng cứ buộc tội và gỡ tội. Trong thực tế có trường hợp họ đưa vào hồ sơ vụ án tài liệu, chứng cứ sai sự thật hoặc lời khai gian dối nhưng lại không phải chịu trách nhiệm hình sự như người bào chữa theo tội danh này, mà chỉ xử lý đối với người bào chữa là không công bằng, không bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa cơ quan tiến hành tố tụng và người bào chữa tham gia tố tụng. Mặt khác, quy định này mặc dù chứng minh tội phạm thuộc cơ quan tiến hành tố tụng nhưng làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người bào chữa triệt tiêu quyền thu thập và cung cấp chứng cứ, vì e ngại khi cung cấp chứng cứ không xác thực sẽ bị xem xét trách nhiệm (chưa nói đến có bị buộc tội hay không) để tránh rắc rối trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bào chữa.

Về Điều 19, theo quan điểm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, quy định như vậy hạn chế và gây bất lợi cho người bào chữa, bởi với chức năng và trách nhiệm nghề nghiệp, muốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tình nghi, bị buộc tội, họ phải tin tưởng người bào chữa mới tiết lộ các thông tin liên quan đến vụ việc của họ. Nếu quy định người bào chữa phải tố giác các thông tin do người bị tình nghi, bị buộc tội theo Điều luật này thì sẽ làm giảm sút sự tin cậy của các chủ thể vào chức năng xã hội của luật sư. Mặt khác, nếu không có sự chia sẻ thông tin một cách trung trực giữa người bị tình nghi, bị buộc tội với người bào chữa thì người bào chữa không thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ bào chữa cho thân chủ của mình.

Ngoài ra, việc quy định xử lý trách nhiệm hình sự của người bào chữa như tại Khoản 3 Điều 19 rất dễ dẫn đến việc tùy tiện áp dụng để xử lý người bào chữa, đặc biệt trong tình trạng hiện nay, có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không muốn người bào chữa tham gia tố tụng trọng vụ án hình sự khi quan điểm bào chữa khác biệt hoặc ngược lại với quan điểm buộc tội.

Đại diện LĐLSVN đề nghị cân nhắc sửa lại quy định tại Khoản 3 Điều 19 theo hướng người bào chữa chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm đối với một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia mà không phải tất cả các tội đặc biệt nghiêm trọng khác như trong Điều luật quy định.

Lượt xem: 725