Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

496 đại biểu Quốc hội trúng cử với tỷ lệ như thế nào

Người có tỷ lệ phiếu trúng cử thấp nhất là ông Hoàng Văn Liên, Phó chủ tịch tỉnh Long An với 50,93% số phiếu hợp lệ.

Theo công bố của Hội đồng bầu cử quốc gia ngày 9/6, người có tỷ lệ phiếu trúng cử cao nhất là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 99,48%, đứng thứ hai là Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch 95,87%.
Người có tỷ lệ phiếu trúng cử thấp nhất là ông Hoàng Văn Liên, Phó chủ tịch tỉnh Long An với 50,93%; kế đó là ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa 13 với 50,95%.
Bình luận về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14, TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho rằng về cơ bản, cách thức tổ chức bầu cử, số dư và khả năng lựa chọn của cử tri, tỷ lệ và cách thức bầu… gần giống những lần bầu cử trước. Điểm khác biệt đáng ghi nhận nhất là việc cử tri ngày càng trở nên khó tính.
Cụ thể, ngoài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trúng cử với 99,48% phiếu bầu) và một vài ứng viên khác, những người trúng cử với số phiếu cao không nhiều như trước đây. Việc không bầu đủ 500 đại biểu như dự kiến và một số nơi phải bầu lại cũng cho thấy xu thế cử tri ngày càng khó tính.
"Tôi cho rằng đây là xu thế lành mạnh. Quốc hội là thiết chế cơ bản của nền dân chủ đại diện. Thiết chế này gồm hai bộ phận cấu thành: Các đại biểu Quốc hội là những người được ủy quyền; các cử tri là những người đứng ra ủy quyền. Cả hai bộ phận đều vận hành một cách có trách nhiệm thì nền dân chủ đại diện mới thật sự vận hành", ông Dũng nói.
Phân tích việc lần bầu cử này có đến 15 người do Trung ương giới thiệu nhưng không trúng cử ở các địa phương, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng công bằng mà nói, nhiều ứng viên của Trung ương dự kiến đảm nhận chức bộ trưởng hoặc cao cấp hơn rất dễ trúng cử. Bởi lãnh đạo địa phương, cũng như nhiều cử tri địa phương đều nhận thức rất rõ về lợi thế của việc được những nhân vật quan trọng như thế đại diện.
Ngược lại, các ứng cử viên dự kiến làm đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc ứng cử viên của Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể Trung ương ít nhiều có khả năng thất cử. Lý do nếu trúng cử làm đại biểu thì lợi thế mà những người này mang lại cho địa phương không lớn. Hơn nữa, tâm lý bầu cho "người nhà" (ứng cử viên người địa phương, do địa phương giới thiệu) vẫn lớn hơn bầu cho người từ Trung ương giới thiệu về.
"Quốc hội là thiết chế của Trung ương, nhưng nền tảng bầu cử Quốc hội lại là của địa phương. Trong quá trình cải cách thể chế, chúng ta rất cần lưu tâm đến vấn đề này", ông Sĩ Dũng nói.

Cũng theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, tỷ lệ đảng viên chiếm gần 96% trong Quốc hội có lẽ là cao nhất từ trước đến nay. "Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là cử tri đã bầu như vậy. Vấn đề là Quốc hội khóa 14 sẽ phải giữ mối quan hệ với cử tri chặt chẽ hơn và tổ chức tham vấn công chúng nhiều hơn. Có như vậy, Quốc hội mới lắng nghe được tiếng nói và thấu hiểu được nguyện vọng của những người dân, mà đa số đều là người ngoài Đảng", ông Dũng nói

Lượt xem: 594