Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Luật sư phải tố giác thân chủ: Có gây bất lợi cho người bào chữa?

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 giữ nguyên quy định người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…

Tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường Quốc hội mới đây, báo cáo về một số vấn đề lớn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13, đề cập đến quy định tại Điều 19 BLHS 2015 “Về không tố giác tội phạm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Thị Nga cho biết, có ý kiến đề nghị không quy định trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm đối với tội đặc biệt nghiêm trọng (trừ một số tội xâm phạm an ninh quốc gia) để bảo đảm phù hợp với hoạt động hành nghề của Luật sư.

Thường trực Ủy ban Tư pháp thấy rằng, Điều 22 của BLHS năm 1999 quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm đối với các loại tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. BLHS năm 2015 đã thu hẹp đáng kể phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa bảo đảm phù hợp với đặc thù hoạt động bào chữa.


Theo đó, họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các “tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác”; ngay cả những người ruột thịt của người phạm tội như: ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác các tội nêu trên.


Bên cạnh đó, Điều 9 của Luật Luật sư quy định: nghiêm cấm luật sư thực hiện hành vi “tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”, Điều 73 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định Luật sư có nghĩa vụ “tôn trọng sự thật”. Do đó, để bảo đảm mọi công dân đều phải có nghĩa vụ tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm thì việc giữ như quy định của BLHS năm 2015 là phù hợp.


Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam (LĐLS), quy định như vậy hạn chế và gây bất lợi cho người bào chữa, bởi với chức năng và trách nhiệm nghề nghiệp, muốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tình nghi, bị buộc tội, họ phải tin tưởng người bào chữa mới tiết lộ các thông tin liên quan đến vụ việc của họ. Nếu quy định người bào chữa phải tố giác các thông tin do người bị tình nghi, bị buộc tội thì sẽ làm giảm sút sự tin cậy của các chủ thể vào chức năng xã hội của luật sư.


Ngoài ra, việc quy định xử lý trách nhiệm hình sự của người bào chữa như tại khoản 3, Điều 19 rất dễ dẫn đến việc tùy tiện áp dụng để xử lý người bào chữa, đặc biệt trong tình trạng hiện nay, có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không muốn người bào chữa tham gia tố tụng trọng vụ án hình sự khi quan điểm bào chữa khác biệt hoặc ngược lại với quan điểm buộc tội.


Trên cơ sở đó, đại diện LĐLS Việt Nam đề nghị, cân nhắc sửa lại quy định tại khoản 3, Điều 19 theo hướng người bào chữa chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm đối với một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia mà không phải tất cả các tội đặc biệt nghiêm trọng khác như trong Điều luật quy định.


LS Nguyễn Dũng (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng, không nên quy định LS phải tố giác thân chủ bởi đặc thù nghề nghiệp của LS là phải giữ bí mật cho khách hàng. Bởi nếu có xung đột giữa nghĩa vụ bảo vệ thông tin cho khách hàng và nghĩa vụ tố giác tội phạm bị can, bị cáo sẽ không còn tin tưởng ở LS nữa, dẫn đến hoạt động bào chữa không thực hiện được.


LS Nguyễn Dũng cũng chỉ ra, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng. Mặt khác, Điều 9 của Luật LS nghiêm cấm LS tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. 


Thực tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới không có quy định nghĩa vụ này của LS. Trên cơ sở phân tích, LS Dũng đề nghị, nên sửa quy định của BLHS 2015 theo hướng miễn trách nhiệm hình sự cho LS về hành vi không tố giác thân chủ, trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia. 

 

Điều 19 Bộ luật hình sự 2015 quy định: Không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

 

Lượt xem: 1.028
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật