Tọa đàm “Giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương pháp trọng tài”
Tới dự buổi tọa đàm có LS. Nguyễn Văn Chiến, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chủ tịch LĐLSVN, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; LS Đào Ngọc Chuyền, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư Việt Nam; TS. Nguyễn Minh Hằng, Trọng tài viên thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), giảng viên khoa Luật trường Đại học Ngoại thương; ông Nicolas Audier, bà Bernadette Fahy, ông Antoine Logeay thuộc Đoàn Luật sư Paris cùng đông đảo các luật sư đồng nghiệp tham dự.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Chiến phát biểu tại buổi tọa đàm
Phát biểu khai mạc tọa đàm, LS. Nguyễn Văn Chiến hoan nghênh và cảm ơn các thành viên Đoàn Luật sư Paris đã phối hợp với LĐLSVN tổ chức buổi tọa đàm để hỗ trợ các luật sư Việt Nam trao đổi và học hỏi kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ tranh chấp bằng trọng tài. LS. Nguyễn Văn Chiến đánh giá cao sự quan tâm của đông đảo các luật sư tham gia buổi tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, bà Bernadette Fahy đã chỉ ra những ưu điểm trong việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài: Hiện nay có 156 quốc gia tham gia ký kết, thừa nhận và thi hành phán quyết của trọng tài theo Quy ước New York 1958; phần lớn các phán quyết là không thể thay đổi, mang tính ràng buộc; tính bí mật, bảo mật hoàn toàn được đảm bảo cho các bên tham gia... Bên cạnh đó, hình thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài còn bộc lộ những hạn chế như: Tòa án sẽ không được diễn ra nếu một trong hai bên vắng mặt; tòa án không có quyền đối với bên thứ ba; có xu hướng cho sự can thiệp của tòa án ở một số cấp xét xử...
Bà Bernadette Fahy, Đoàn luật sư Paris phát biểu
Thảo luận tại buổi tọa đàm, Ông Nicolas Audier chia sẻ cách giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng quốc tế như: Tranh chấp có thể được giải quyết bởi một tòa án ở Việt Nam hoặc một tòa án nước ngoài bằng hình thức trọng tài. Phần lớn các trường hợp, hợp đồng có một điều khoản giải quyết tranh chấp thuộc thẩm quyền trọng tài theo hệ thống pháp lý nước ngoài.
Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Minh Hằng, Trọng tài VIAC cho biết các thỏa thuận trọng tài khiếm khuyết như: Mọi tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng sẽ được giải quyết thông qua thương lượng. Nếu hai bên không thể giải quyết được thì tranh chấp đó sẽ được đưa ra Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để giải quyết; nếu không thỏa thuận được hai bên tranh chấp sẽ viện dẫn đến trọng tài kinh tế thành phố Hà Nội, quyết định của trọng tài kinh tế là quyết định cuối cùng và buộc hai bên phải thi hành; mọi tranh chấp liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết nếu một bên đồng ý với phán quyết của trọng tài thì có quyền kiện ra Tòa án nước bị đơn.
Quang cảnh buổi tọa đàm
TS. Nguyễn Minh Hằng cho rằng, luật áp dụng để giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài ngoài hai luật tố tụng và luật thực chất còn có Quy ước tố tụng trọng tài VIAC; Luật Trọng tài thương mai 2010. Trong trường hợp, tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn. Nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng trong tranh chấp đó thì Hội đồng trọng tài sẽ quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất.
Kết thúc buổi tọa đàm, LS. Đào Ngọc Chuyền, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư Việt Nam chân thành cảm ơn các luật sư Pháp đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm bổ ích với các luật sư Việt Nam. LS Đào Ngọc Chuyền bày tỏ mong muốn Đoàn Luật sư Paris quan tâm và tạo điều kiện, thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi nghiệp vụ giúp luật sư Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong quá trình hành nghề./.
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.