Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Bàn về chế tài xử lý tham nhũng

Phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực đầy rẫy khó khăn, thách thức. Tham nhũng ngày càng tinh vi, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Thậm chí tham nhũng còn xảy ra trong các lĩnh vực như chính sách, chế độ đối với người có công, giảm nghèo, chính sách đối với dân tộc thiểu số, lĩnh vực văn hóa, tâm linh...

Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng

Có thể nói, ở đâu có lợi ích, ở đó dễ xảy ra tình trạng tham nhũng. Nhiều năm qua, Ðảng, Nhà nước đã thường xuyên chỉ đạo, đưa ra các phương hướng, giải pháp phòng, chống tham nhũng. Mục tiêu đặt ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Ðảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính; và với quan điểm vừa tích cực, chủ động phòng ngừa vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là chính. Gắn phòng, chống tham nhũng lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, phát huy dân chủ, thực hành tiết kiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, chống quan liêu… Tuy nhiên, việc giám sát, phòng ngừa, phát hiện mặc dù đã được các cấp, ngành quan tâm, thực hiện nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chưa thể hạn chế, giảm tác hại của tham nhũng.

Giải pháp được chỉ đạo tiến hành trong công tác phòng, chống tham nhũng là rất mạnh mẽ, trong đó chú trọng các biện pháp xử lý: Người có hành vi tham nhũng phải bị xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh về trách nhiệm chính trị, hành chính hoặc hình sự, bất kể người đó là ai và ở cương vị nào. Ðảng viên có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, dù cơ quan chức năng chưa kết luận, cấp ủy vẫn phải xem xét, cân nhắc bố trí công việc khác. Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng. Áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng. Nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện. Trừng trị nghiêm khắc những đối tượng tham nhũng có tổ chức, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhanh chóng bổ sung vào Bộ luật Hình sự các hành vi tham nhũng mới được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng; chú trọng các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng.

Ðảng, Nhà nước cũng có các chế tài xử lý đối với người có hành vi tham nhũng. Trong đó, hình thức xử lý kỷ luật đảng là rất nghiêm khắc. Theo Quy định số 94-QÐ/TW ngày 15-10-2007 của Ban Chấp hành T.Ư về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm nói chung thì "Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật...;... phải xem xét xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan Nhà nước và điều lệ của đoàn thể..."; đồng thời quy định rõ 10 nhóm tình tiết tăng nặng mức kỷ luật đối với đảng viên vi phạm.

"Mạnh tay" thu hồi tài sản tham nhũng

Ðiều 69 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về việc xử lý đối với người có hành vi tham nhũng như sau: Người có hành vi tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự; trong trường hợp bị kết án về hành vi tham nhũng và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải bị buộc thôi việc; đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ðối với tài sản tham nhũng, pháp luật quy định bốn nguyên tắc xử lý, đó là: Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi, tịch thu tài sản tham nhũng. Tài sản tham nhũng phải được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước. Người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát hiện hành vi đưa hối lộ thì được trả lại tài sản đã dùng để hối lộ. Việc tịch thu tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng được thực hiện bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài cũng bị xử lý...

Về bình diện pháp luật, người có hành vi tham nhũng tùy mức độ, tính chất hành vi mà có thể bị áp dụng các hình thức chế tài khác nhau. Nghiêm khắc nhất là các chế tài hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung)(1) đã quy định nhóm tội tham nhũng gồm 7 tội danh: Tội tham ô tài sản (Ðiều 353) với mức hình phạt thấp nhất từ 2 đến 7 năm tù, cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình; Tội nhận hối lộ (Ðiều 354) với mức hình phạt thấp nhất từ 2 đến 7 năm tù, cao nhất là tử hình; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Ðiều 355) với mức hình phạt thấp nhất từ 1 đến 6 năm tù, cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân;…

Ngoài ra, tùy từng trường hợp mà người phạm tội có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định; phạt tiền; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Trường hợp gây thiệt hại tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đối với tội phạm tham nhũng hiện nay đang tồn tại tình trạng chuyển sở hữu để che giấu tài sản, trốn tránh trách nhiệm. Người đứng tên tài sản là cha, mẹ, vợ, con, thậm chí anh chị em, người trong dòng họ… Vì vậy, trong trường hợp truy xét, tìm ra tài sản tham nhũng do ai quản lý thì cần phải chế tài đối với cả người giúp sức, che giấu cho người có hành vi tham nhũng. Hiện tại chưa có quy định rõ về trường hợp này như là một tội phạm độc lập hoặc là người đồng phạm (giúp sức) của người có hành vi tham nhũng, rất cần được rà soát, nghiên cứu bổ sung để có căn cứ pháp luật xử lý.

-------------------------------

(1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20-6-2017.

 

TS LƯU BÌNH NHƯỠNG
Lượt xem: 538
Nguồn:http://www.nhandan.com.vn/phapluat/item/33320902-ban-ve-che-tai-xu-ly-tham-nhung.html Sao chép liên kết