Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Cần miễn trừ nghĩa vụ tố giác thân chủ của luật sư!

Luật sư là một nghề đặc thù hoạt động dựa trên uy tín và danh dự của riêng mình. Mối quan hệ giữa luật sư và thân chủ được coi là mối quan hệ xuyên suốt, quyết định nghề luật sư có tồn tại hay không, khi chấp nhận bào chữa cho thân chủ cũng đồng nghĩa với việc luật sư tiếp nhận sự tồn tại của mối quan hệ này và tiếp nhận sự uỷ thác bằng niềm tin tuyệt đối của thân chủ vào mình.

Sáng ngày 27/5/2017, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Một trong những vấn đề được tập trung thảo luận nhiều nhất và cần tiếp tục nghiên cứu thống nhất là quy định về nghĩa vụ tố giác tội phạm của luật sư đối với khách hàng của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bào chữa được quy định tại khoản 3 Điều 19 Dự thảo Luật.

Có nhiều quan điểm của các nhà luật học đưa ra để bảo vệ cho quy định hiện tại trong Dự thảo Luật, “buộc luật sư phải thực hiện nghĩa vụ tố giác khách hàng trong trường hợp khách hàng phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Các quan điểm này chủ yếu dựa trên quy định về nghĩa vụ tố giác tội phạm của công dân và vai trò của luật sư trong việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, nếu xem xét trên khía cạnh đặc trưng nghề nghiệp thì quy định này là không phù với nhu cầu phát triển và hội nhập của nghề luật sư ở nước ta và quy định pháp luật có liên quan, cụ thể:

Không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành cũng như đặc trưng nghề nghiệp của luật sư

Một nguyên tắc quan trọng trong tố tụng hình sự là nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc này đã được Hiến định rằng: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”[1]. Việc chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, “người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”[2]. Như vậy, khi chưa có Bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì một người đương nhiên được coi là không có tội, đây không chỉ là quyền của một công dân mà còn là quyền của một con người. Luật sư là người có kiến thức pháp lý chuyên sâu tham gia vào quá trình tố tụng để bảo vệ quyền công dân, quyền con người này thì đồng nghĩa với việc luật sư phải thu thập, tìm kiếm các chứng cứ để chứng minh khách hàng của mình là vô tội.

1496192244-8-5945df558d070

Không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành cũng như đặc trưng nghề nghiệp của luật sư. Ảnh - Internet

Luật sư không được làm xấu đi tình trạng của thân chủ mình, luật sư phải sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích của thân chủ nên khi nhận dịch vụ người luật sư phải coi quyền và lợi ích của khách hàng như của chính bản thân mình và tuyệt đối trung thành, có như vậy mới tạo được niềm tin tuyệt đối của khách hàng.

Đối với các tội có quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình, nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ. Một luật sư dù là được khách hàng mời hay cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định thì khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa đều yêu cầu thân chủ của mình cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ vì chỉ có như vậy luật sư mới bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích cho thân chủ cũng như có hướng tư vấn có lợi nhất cho thân chủ. Thông tin mà thân chủ cung cấp cho luật sư thường có hai mặt, hoặc là có lợi hoặc là bất lợi hơn cho thân chủ. Trường hợp thân chủ cung cấp cho luật sư chứng cứ góp phần buộc tội thân chủ hoặc những tình tiết có thể là chứng cứ của một tội phạm khác mà thân chủ thực hiện và luật sư lấy những chứng cứ, tình tiết này để tố giác thân chủ của mình thì vô hình chung đây là một quy định mang tính chất gài bẫy người bị buộc tội.

Xuất phát từ đặc trưng nghề nghiệp thì có thể thấy, luật sư chính là người mà khách hàng tin tưởng nhất, đôi khi họ tin hơn cả chính những người thân thích của họ và cũng do họ tin luật sư nên họ mới cung cấp thông tin cho luật sư và chấp nhận chi trả thù lao để luật sư tư vấn và bảo vệ về mặt pháp lý cho họ. Buộc luật sư tố giác thân chủ cũng chính là buộc luật sư bội tín với thân chủ của mình.

Với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, luật sư không thể nghe thông tin khách hàng cung cấp để tố cáo họ bởi lời khai của khách hàng chỉ được coi là chứng cứ khi nó phù hợp với chứng cứ khác của vụ án. Luật sư lại càng không được phép đi thu thập chứng cứ để chống lại thân chủ của mình vì đây là chức năng của các cơ quan được nhà nước trao quyền và đây cũng là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của luật sư.

Xét về truyền thống đạo đức xã hội thì việc “buộc luật sư tố giác thân chủ của họ” cũng không phù hợp bởi, nguồn sống của luật sư chính là đồng tiền mồ hôi nước mắt mà thân chủ của luật sư kiếm được. Dân gian ta có câu “ăn cây nào, rào cây ấy” và đồng thời để chê bai, trì triết những người vô ơn, phản bội bằng lời lẽ rất nhẹ nhành nhưng thâm thuý “ăn cây táo, rào cây xung”.

Mặt khác, để bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thì mỗi Nhà nước đều thiết lập nên một hệ thống các cơ quan công quyền như Toà án, Viện kiểm sát, công an,… Hệ thống này được hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước để bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội. Bên cạnh đó, đông đảo quần chúng nhân dân cũng tham gia vào việc này khi thực hiện nghĩa vụ công dân của mình thì việc miễn trừ nghĩa vụ tố giác tội phạm cho luật sư là cần thiết để luật sư có thể làm tốt nhất vai trò phản biện nhằm góp phần đảm bảo công lý và pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Buộc luật sư tố giác tội phạm không có tác dụng trong công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm

Mục đích của quy định buộc luật sư tố giác tội phạm là nhằm kịp thời phát hiện hoặc ngăn chặn hành vi tội phạm có thể xảy ra. Tuy nhiên, khi phân tích một cách tổng thể và toàn diện thì quy định này không có tác dụng thực tiễn.

Một luật sư chân chính không dễ dàng khi đi tố giác thân chủ của mình bởi hơn ai hết,  luật sư biết rõ hậu quả pháp lý mà thân chủ phải chịu nếu việc tố giác là có cơ sở và luật sư có thật sự “bình tĩnh sống” và hành nghề cho quãng thời gian còn lại của mình khi thân chủ đang phải chịu sự trừng trị của pháp luật bởi việc tố giác của luật sư.

Thực tế hành nghề luật sư cho thấy, không ít luật sư bị chính thân chủ của mình phản bội nhưng trong những tình huống như vậy, hầu hết các luật sư vẫn chấp nhận sự thiệt thòi cho bản thân thay vì cố gắng chống lại thân chủ của mình. Do đó, nếu không muốn tố giác thân chủ của mình, luật sư sẽ đưa ra lựa chọn là không nghe những thông tin bất lợi cho thân chủ.

Những người yêu cầu luật sư tư vấn hầu hết là những người thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đầy đủ về pháp luật. Họ cần luật sư tư vấn để tránh cho họ những rủi ro pháp lý và chỉ cho họ cách tốt nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Khi tư vấn cho người phạm tội, luật sư sẽ giúp họ hiểu rằng, trốn tránh không phải là cách lựa chọn tốt và họ không thể trốn tránh cả đời về hành vi phạm tội, họ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện và chỉ khi họ tự thú, đầu thú mới được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Khách hàng tìm đến luật sư bởi họ tin tưởng tuyệt đối rằng luật sư sẽ không gây bất lợi hơn cho họ trong mọi trường hợp. Nếu khách hàng biết rằng khi tìm đến luật sư để cung cấp thông tin sẽ bị luật sư tố giác thì khách hàng sẽ không bao giờ tìm đến luật sư. Điều đó vô tình đã tước đi quyền được tư vấn pháp luật của người phạm tội cũng như mất đi cơ hội để luật sư can ngăn việc thực hiện hành vi phạm tội hoặc động viên, thuyết phục người phạm tội ra đầu thú.

Buộc luật sư tố giác thân chủ còn có thể tạo cho những luật sư cơ hội trục lợi để làm tiền thân chủ. Tổ chức luật sư cũng là một xã hội thu nhỏ nên có người tốt, người xấu. Nếu có những luật sư dễ dàng tố giác thân chủ của mình thì cũng sẽ có những luật sư chuyển từ tố giác sang “kiếm chác” từ thân chủ bởi đằng nào việc tố giác thân chủ cũng đã là bội tín với thân chủ và chắc chắn rằng những khách hàng đã bị luật sư tố giác thì gia đình và những người thân của họ sẽ không dễ dàng quay lại sử dụng dịch vụ của luật sư đã tố giác họ.

Trong một nhà nước pháp quyền không thể thiếu vai trò phản biện của luật sư. Trong một thế giới phẳng không thể thiếu đội ngũ luật sư giỏi chuyên môn, giàu bản lĩnh nghề nghiệp. Ở các nước phát triển, trên thế giới thì một luật sư giỏi chuyên môn và giàu bản lĩnh nghề nghiệp phải là một luật sư bảo vệ được nhiều nhất quyền lợi cho khách hàng để đạt được mục tiêu cao nhất là chứng minh sự vô tội của khách hàng và chúng ta không thể đi ngược lại tiêu chí này.

Để phát huy được tối đa vai trò của luật sư trong công tác phòng chống tội phạm, cần vận dụng quy định tại khoản 2 điều 390 Bộ luật tố tụng hình sự buộc luật sư có nghĩa vụ can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm. Trường hợp luật sư không can ngăn hoặc hạn chế được thì luật sư có thể tiết lộ thông tin về tội phạm và hành vi phạm tội của thân chủ này. Quy định này không chỉ hợp Hiến, hợp pháp mà còn phù hợp với đặc trưng của nghề Luật sư.

LS Lưu Thị Thu Hiền

(Đoàn luật sư tỉnh Đăk Lăk)

 

Lượt xem: 523
Nguồn:http://lsvn.vn/nghien-cuu-trao-doi/trao-doi/can-mien-tru-nghia-vu-to-giac-than-chu-cua-luat-su--23304.html Sao chép liên kết