Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Hàng trăm luật sư tương lại kiến nghị bỏ khoản 3 Điều 19 Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự

Hàng trăm học viên đang theo học đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp mới đây đã cùng ký vào đơn gửi tới Chủ tịch Quốc hội và các cơ quan chức năng, kiến nghị hủy bỏ khoản 3 Điều 19 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong lá đơn, gồm gần 100 chữ ký ngày 4/6/2017 của những học viên khóa đào tạo Luật sư 17.2 Học viện Tư pháp, viết: “Chúng tôi hiện là những cử nhân luật, đang theo học nghề luật sư và tương lai sẽ hành nghề luật sư – một nghề vô cùng cao quý trong xã hội, theo đuổi mục tiêu cao cả của nghề đồng thời cũng là sự kỳ vọng của xã hội đối với nghề luật sư là: “bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người yếu thế và người nghèo”. Đất nước đang trên đà phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hệ thống pháp luật đang dần hoàn thiện theo hướng bảo vệ tốt nhất quyền con người”.

18870754-1688204211481747-1022942618-n-593764df002b4

 Gần 100 học viên cùng ký tên vào đơn

Sau khi trích lại khoản 3 Điều 19 trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015, các học viên này cho rằng: “Chúng tôi nhận thấy nội dung này hoàn toàn đi ngược lại những quy tắc ứng xử và đạo đức nghề luật sư, đặc biệt hơn là vi phạm Hiến pháp năm 2013 và những mục tiêu, chính sách cơ bản của tư pháp hình sự Việt Nam. Bởi vì, những mục tiêu của chính sách hình sự là: “Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người”. Quyền được bào chữa là một trong những quyền cơ bản của con người, việc hạn chế và cản trở luật sư bào chữa là vi phạm quyền con người”. Bên cạnh đó, lá đơn bày tỏ quan điểm: “Từ các căn cứ nêu trên, với tư cách là các trí thức trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường để học tập, rèn luyện và đang định hướng theo nghề luật sư, chúng tôi vô cùng hoang mang, lo lắng với nội dung quy định tại khoản 3, Điều 19 của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015”. Cuối cùng, các học viên này kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét loại bỏ khoản 3 Điều 19 ra khỏi Dự thảo với “Hy vọng rằng những mong muốn, đề nghị và thỉnh cầu này của chúng tôi sẽ là những viên gạch để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta sao cho tiệm cận với những chế định và quan điểm luật học văn minh, tiến tiến trên thế giới”.

18945316-10154406720952397-1203249073-n-593765215bc00

 Đơn viết tay của các học viên 18.1 Học viện Tư pháp

Cùng chung quan điểm như vậy, một lá đơn khác có nội dung tương tự đã được hàng chục học viên khóa đào tạo nghề luật sư lớp 18.1 Học viện Tư pháp viết tay và cùng ký tên gửi đến Quốc hội và các cơ quan chức năng. Lá đơn có đoạn: “đề nghị và khẩn cầu bà Chủ tịch Quốc hội và các quý cơ quan xem xét đề nghị bỏ khoản 3 Điều 19 ra khỏi dự thảo Bộ luật Hình sự 2015”.

18902431-10154406721077397-172159980-n-593765525584b

Trước đó, tại Hà Nội, đại diện Ban Thường vụ và Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư - Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có buổi tiếp xúc với một nhóm các luật sư thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội để lắng nghe, trao đổi về vấn đề này. Tại buổi tiếp xúc, các luật sư đều bày tỏ mong muốn Liên đoàn Luật sư Việt Nam sớm có văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét để có quy định phù hợp, nhằm tránh hiểu lầm và gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động bào chữa của luật sư như quy định tại khoản 3 Điều 19 Dự thảo Bộ luật Hình sự 2015.

Được biết, trong ngày 6/6/2017, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản chính thức gửi đến Quốc hội, kiến nghị xem xét lại một số nội dung nêu tại khoản 3 Điều 19 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015.

Việc hàng trăm luật sư tương lai cũng như ý kiến của các chuyên gia, các luật sư kiến nghị đến Quốc hội thời gian gần đây về khoản 3 Điều 19 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 thể hiện sự quan tâm sâu sắc của giới trí thức và cộng đồng liên quan đến quyền bào chữa, quyền được bào chữa và quyền con người. Đây là nội dung đã được Hiến pháp 2013 khẳng định, đồng thời là một trong những mục tiêu thực hiện trong Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 6/6/2005 của BCH Trung ương Đảng. Sự tham gia góp ý, kiến nghị rộng rãi không chỉ cho thấy tính dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật được cộng đồng xã hội quan tâm, phát huy, mà còn mang ý nghĩa tích cực nhằm góp phần hoàn thiện các đạo luật, trong đó có Bộ luật Hình sự hiện nay ở nước ta.

Lượt xem: 539
Nguồn:http://lsvn.vn/luat-su-va-cong-dong/hoat-dong-luat-su/hang-tram-luat-su-tuong-lai-kien-nghi-bo-khoan-3-dieu-19-du-thao-sua-doi-bo-luat-hinh-su-23105.html Sao chép liên kết