Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Còn nhiều lỗ hổng trong quản lý tiền chất ma túy

Nếu như những năm trước, tội phạm ma túy thường là những đối tượng chuyên mua bán, vận chuyển, thì thời gian gần đây, một loạt đường dây sản xuất ma túy bị triệt phá, cho thấy, còn nhiều lỗ hổng trong quản lý tiền chất ma túy.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, từ năm 2010 đến 2013, tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An… từng xuất hiện tình trạng sản xuất ma túy tổng hợp. Thời điểm đó, các đối tượng thường bào chế ma túy đá từ một số loại thuốc tân dược, thuốc trị bệnh cảm cúm... Tuy nhiên, sau khi các lực lượng chức năng triệt phá, Bộ Y tế vào cuộc, quản lý chặt việc cung cấp tân dược thì tình trạng này đã lắng xuống. Ngoài ra, các loại ma túy tổng hợp thẩm lậu từ nước ngoài cũng khiến việc sản xuất ma túy ở trong nước giảm đáng kể.

Nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, nguồn cung ma túy tổng hợp từ nước ngoài giảm mạnh khiến giá ma túy bị đẩy lên cao. Trước kia, 1 kg ma túy đá được các đối tượng mua bán giá khoảng 200 triệu đồng. Hiện giá đã lên khoảng 900 triệu đến 1 tỷ đồng/kg. Vì thế, tình trạng sản xuất ma túy tổng hợp từ tân dược, thậm chí thảo dược đang xuất hiện trở lại.

Vụ bắt giữ Văn Kính Dương, đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất, mua bán ma túy tổng hợp lớn nhất ở nước ta từ trước tới nay khiến không ít người giật mình. Trong vụ án này, có thể nhận định sơ bộ, loại ma túy tổng hợp của đường dây này có tên MDMA (thường gọi là ecstasy - thuốc lắc). Sản xuất loại ma túy này khá đơn giản. Nguyên liệu đầu vào là một loại tinh dầu rất dễ kiếm. Loại tinh dầu này khi được chưng cất với một số loại hóa chất công nghiệp, a-xít… lập tức sẽ cho ra những viên thuốc lắc có "chất lượng"…

Theo Công an TP Hồ Chí Minh: Chỗ hở trong quản lý hiện nay là có nhiều bộ, ngành cùng quản lý tiền chất.

Trong quá trình phối hợp công an các địa phương trong chuyên án Văn Kính Dương, trước khi bắt toàn bộ đường dây, ban chuyên án đã tiếp nhận từ Công an huyện Châu Thành (tỉnh Ðồng Tháp) tổng cộng 1.400 vỏ chai hóa chất, chứa khoảng 700 lít acetone và methanol bị vứt bỏ. Khám xét các xưởng sản xuất trong đường dây của Văn Kính Dương ở các địa điểm, công an thu giữ 5.080 chai, chứa khoảng 2.540 lít hóa chất. Riêng tại xưởng sản xuất ma túy ở xã Phước Ðồng (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), lực lượng chức năng thu giữ năm can hóa chất chứa khoảng 500 lít methylamine.

Qua số lượng hơn 2,5 tấn hóa chất và tiền chất mà Ban chuyên án thu giữ từ đường dây sản xuất, tiêu thụ ma túy của Văn Kính Dương, cũng như nhận định của Công an TP Hồ Chí Minh về vấn đề quản lý tiền chất còn lỏng lẻo, trong cuộc họp báo Chính phủ đầu tháng 6-2017 vừa qua, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, tiền chất rất quan trọng trong ngành y tế, không có tiền chất thì không làm được gì. Việc lợi dụng tiền chất để sản xuất ma túy không phải chỉ có ở Việt Nam mà còn xảy ra tại nhiều nước. Vì thế, công tác quản lý cần chặt chẽ hơn, công tác phối hợp giữa các cơ quan cùng quản lý tiền chất cần ăn ý, hiệu quả hơn. Bộ Y tế phối hợp Bộ Công thương, Bộ Công an tăng cường kiểm tra, giám sát, điều tra những cơ sở lợi dụng tiền chất để sử dụng trái mục đích.

Lượt xem: 560
Nguồn:http://www.nhandan.com.vn/phapluat/item/33369002-con-nhieu-lo-hong-trong-quan-ly-tien-chat-ma-tuy.html Sao chép liên kết