Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Nói không với vô cảm và nhũng nhiễu

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội NGUYỄN VĂN CHIẾN, yêu cầu không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự là chỉ đạo cụ thể của Chính phủ nhằm nói không với nạn vô cảm, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phải tuyên chiến với tệ nạn này; xử lý thật nghiêm cán bộ, công chức gây phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp.

Tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh

- Ông đánh giá như thế nào về quan điểm không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự?

- Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự có tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh của đất nước, không chỉ ảnh hưởng tới doanh nhân, doanh nghiệp trong nước mà với cả nhà đầu tư nước ngoài. Những vụ án kinh tế bị hình sự hóa sẽ là tấm gương xấu, làm nản lòng những người có ý định đầu tư vào Việt Nam, nhất là các dự án lớn, dài hạn, rủi ro cao như tài chính, ngân hàng... Tâm lý thông thường là doanh nhân, doanh nghiệp đang hoạt động sẽ không dám mạo hiểm, chấp nhận rủi ro để tìm bước đi đột phá, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế, mà có khi chỉ hoạt động cầm chừng, chấp nhận hiệu quả thấp nhưng an toàn hơn.
    Vì vậy, quan điểm chỉ đạo mới đây của Chính phủ về không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật chính là động thái nói không với nạn vô cảm và nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức đã tồn tại quá lâu, làm kéo lùi chủ trương đổi mới và công cuộc phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

- Thực tế quan điểm không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự đã được luật hóa, quyết tâm thực thi cũng đã có, nhưng người dân và doanh nghiệp chờ đợi hơn cả là hành động, thưa ông?

- Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì không gì khác hơn là phải tuyên chiến với tệ nạn này; xử lý thật nghiêm cán bộ, công chức gây phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Không làm được việc này thì dù chủ trương, pháp luật tốt đẹp đến đâu cũng dễ bị biến dạng khi áp dụng trong đời sống thực tế. Bởi lẽ, một khi những người thực thi chỉ chăm chăm vào việc làm khó doanh nghiệp để kiếm chác, hưởng lợi riêng, không vì sự sống còn của doanh nghiệp nước nhà. Ngược lại, làm tốt việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời nói không với nạn vô cảm, nhũng nhiễu sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp quốc gia.

Cần thấu tình đạt lý

- Quy định pháp luật đã có, song thực tế áp dụng lại xảy ra không ít trường hợp hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. Vướng mắc là ở đâu, thưa ông?

- Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng số vụ việc bị hình sự hóa chưa có dấu hiệu giảm mà hình như có xu hướng diễn biến phức tạp hơn, nhất là trong xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng với sự gia tăng của các giao dịch dân sự, kinh tế. Ví dụ, nhiều người làm ăn, kinh doanh phải đi vay tiền, đến hạn phải trả, song làm ăn thua lỗ không trả được nợ - việc này nếu chuyển sang hình sự, sẽ dễ bị quy là lạm dụng tín nhiệm và có thể bị bắt tạm giam. Trong trường hợp này, sự can thiệp theo chiều hướng tiêu cực của cơ quan chức năng, nhất là một số cơ quan tư pháp ở địa phương, cùng với ý thức pháp luật của một bộ phận chủ thể tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế còn chưa cao, thiếu hiểu biết về pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, sẽ dẫn đến những hệ lụy nhất định trong việc hình sự hóa, khiến người dân, doanh nghiệp không thể tự bảo vệ mình.

- Đó là một mặt của vấn đề. Nhưng ở góc độ khác, thực tế cũng có trường hợp, nếu không xử lý hình sự dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, thưa ông?

- Đúng vậy. Nhưng trường hợp đó không thể đại diện cho tất cả các vụ án dân sự, kinh tế, thương mại được. Có đương sự, tổ chức làm ăn nghiêm chỉnh, nhưng vì lý do bất khả kháng, họ không thể chi trả được - điều này cần được xem xét dưới nhiều góc độ, tránh hình sự hóa. Tuy nhiên, nhiều vụ việc cơ quan chức năng không khởi tố được vì điều luật quy định quá cứng nhắc. Ví dụ, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 140, Bộ luật Hình sự hiện hành (Điều 175, Bộ luật Hình sự sửa đổi), yếu tố quan trọng để nhận biết cấu thành tội là ý thức khi giao dịch để nhận được tài sản là ngay thẳng, sau khi nhận được tài sản mới nảy sinh ý định chiếm đoạt. Tuy nhiên, để khởi tố hình sự, luật quy định phải thỏa mãn một trong hai điều kiện: Đương sự phải bỏ trốn, cơ quan tố tụng phải chứng minh được đương sự đó lấy tài sản vay, dùng vào việc bất hợp pháp để xác định rõ mục đích chiếm đoạt và chiếm đoạt từ thời điểm nào.

Nếu không có yếu tố trên để xác định rõ mục đích chiếm đoạt thì vụ việc chỉ là tranh chấp dân sự, giải quyết bằng tố tụng dân sự. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều người đã đi vay rất nhiều, có thể lên tới hàng chục tỷ đồng rồi không chịu chi trả nhưng cũng không bỏ trốn. Họ lập luận: giao dịch của họ chỉ là quan hệ dân sự, các tranh chấp khác nếu có sẽ được khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác, bao giờ có tiền thì trả hoặc sẽ trả dần... Điều này không chỉ gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn gây thiệt hại lớn đối với người cho vay vốn.

Thông thường, hợp đồng vay nợ (giấy vay nợ) không tài sản thế chấp, mục đích vay không rõ ràng, tài sản vay sử dụng vào mục đích không hợp pháp, không thu lại được nhưng cơ quan điều tra không khởi tố hình sự đối với hành vi này là do khó chứng minh trong việc đương sự dùng tài sản đi vay vào việc bất hợp pháp, đương sự giải trình vẫn nhận nợ và hứa hẹn làm ăn được sẽ trả, nên không xử lý được về mặt hình sự, dẫn đến bỏ lọt tột phạm. Hoặc, nhiều trường hợp trong gia đình, vợ chồng cùng vay mượn, rồi chiếm đoạt một khoản tiền lớn của đối tác, khi bị xử lý về hình sự, chỉ một người bị khởi tố, còn người kia với vai trò đồng phạm nhưng cũng không bị khởi tố và xử lý về mặt hình sự nên cũng có thể nói là bỏ lọt tội phạm. Nếu trong vụ án này, đồng phạm có bị xem xét trách nhiệm nhưng do nhiều yếu tố giảm nhẹ và vận dụng chính sách nhân đạo để không phải xử lý cả hai vợ chồng trong một gia đình thì vụ án được xem là giải quyết toàn diện, thấu tình đạt lý.

Lượt xem: 620