Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Chủ nhiệm đoàn luật sư TP Hà Nội “bắt bệnh” vụ án VKSND Hưng Yên quy kết sai tội bị can

PV Dân trí đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, là người bào chữa, trợ giúp pháp lý miễn phí cho bị cáo Chung trong vụ án.

PV: Thưa ông, với kinh nghiệm 30 năm hành nghề luật sư, ông có nhận xét gì về việc kêu oan của gia đình bị cáo Đỗ Văn Chung đối với bản án sơ thẩm đã tuyên?

LS Nguyễn Văn Chiến: Là luật sư trực tiếp tham gia tố tụng vụ án ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, bản thân bị cáo kêu oan và đã có đơn kháng cáo kêu oan. Hiến pháp, Pháp luật của chúng ta luôn đề cao và tôn trọng quyền con người nên cá nhân, tổ chức hay người thân thích của bị cáo cũng có quyền kiến nghị đối với những vụ án có vi phạm pháp luật, có dấu hiệu xử oan, xử sai đến cơ quan chức năng để được xem xét lại theo thẩm quyền. Sau khi xét xử sơ thẩm vụ án, bị cáo thực hiện quyền kháng cáo của mình và gia đình họ nhận thấy có dấu hiệu con em họ bị kết tội oan thì việc làm đơn kêu oan gửi đến các cơ quan hữu quan để xem xét là bình thường và đúng luật.

Tôi được biết Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản chuyển đơn kêu oan của gia định bị cáo đến Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và trả lời công dân. Tôi là Đại biểu Quốc hội cũng nhận được đơn kêu oan của gia đình bị cáo, tuy nhiên do vụ án đã có lịch xét xử phúc thẩm vào sang mai 14/9/2016, nên tôi sẽ bào chữa và kiến nghị trực tiếp tại phiên tòa đối với Hội đồng xét xử phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng việc TAND tỉnh Hưng Yên kết luận VKSND tỉnh Hưng Yên quy kết sai tội bị cáo Chung nhưng lại tuyên bị cáo Chung một tội danh khác là khiên cưỡng, bất thường.

PV: Luật sư đánh giá việc kêu oan là có cơ sở hay không?

LS Nguyễn Văn Chiến: Tôi và các luật sư đồng nghiệp khác đã trực tiếp bào chữa cho bị cáo Chung từ giai đoạn xét xử sơ thẩm. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm do không đủ căn cứ để đưa vụ án ra xét xử nên đã 02 lần liên tiếp tòa án sơ thẩm đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đến phiên tòa xét xử sơ thẩm lần cuối cùng, kết quả thẩm vấn đã làm rõ quan hệ vay mượn tiền giữa bị cáo và bị hại chỉ là quan hệ vay mượn tiền lấy lãi cao, kết quả tranh tụng giữa các luật sư với đại diện Viện kiểm sát đã làm sáng tỏ việc VKSND tỉnh Hưng Yên truy tố bị cáo Chung và người vị hại đã có liên tiếp thỏa thuận cho nhau vay trên 20 giấy vay tiền với tổng số tiền cả gốc và lãi là 2,384 tỷ đồng.

Cụ thể, cáo trạng truy tố bị cáo phạm “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS với mức đề xuất của kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa về trách nhiệm hình sự của bị cáo từ 12-13 năm tù. Luật sư đã chứng minh đây là quan hệ dân sự đã bị hình sự hóa, mục đích của người vay là muốm vay, người bị hại có tiền cũng muốn cho bị cáo vay để lấy lãi không cần biết bị cáo vay sử dụng mục đích gì, không quan tâm thời hạn trả nợ, thậm chí người bị hại còn nhờ bị cáo giới thiệu người có nhu cầu vay tiền cho người bị hại và bị cáo Chung vẫn nhận nợ và xin trả dần.

Do vậy, ở đây không có yếu tố gian dối và chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Chung. Theo đó, bị cáo Chung không phạm tội, việc vay mượn tiền giữa hai bên, người bị hại có thể làm đơn gửi đến Tòa án dân sự để giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự. Kết quả Tòa tuyên án vào ngày 09/12/2015 đã chấp nhận một phần quan điểm của luật sư, tuyên bố 19 giấy vay chỉ là quan hệ pháp luật dân sự, còn lại một hành vi là lần vay 160 triệu và tuyên bị cáo phạm tội khác là “Tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 140 BLHS, với mức phạt tù là 03 năm tù.

Điều này cho thấy, quan điểm của cơ quan truy tố và cơ quan xét xử là rất khác nhau. Sự thay đổi này đã phần nào thể hiện vụ án có những dấu hiệu oan, sai. Mặc dù HĐXX đã loại đi 19 giấy vay tiền và thay đổi tội danh từ “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang “tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, song việc kết tội bị cáo theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 140 BLHS còn khiên cưỡng, không vững chắc. Không thể căn cứ vào lời khai Chung vay tiền cá độ bóng đá qua mạng Internet để xác định bị cáo vay tiền sử dụng vào mục đích bất hợp pháp vì cơ quan điều tra đã xác minh và kết luận không đủ căn cứ và Chung cũng không thừa nhận lời khai này tại phiên tòa. Các chứng cứ khác chứng minh việc Chung cá độ bóng đá không có. Hành vi vay 160 triệu này thể hiện tại Giấy vay tiền ngày ngày 02/9/2013 xét thấy bản chất không khác gì toàn bộ các lần vay khác nên việc quy kết trách nhiệm cho bị cáo phạm tội hình sự chiếm đoạt tài sản của chị Trang - chủ nợ là không đủ căn cứ.

PV: Luật sư có đánh giá gì về việc Tòa án nhân dân Cấp cao đã để vụ án quá thời hạn xét xử phúc thẩm?

LS Nguyễn Văn Chiến: Tôi cho rằng bị cáo kháng cáo không phạm tội, gia đình bị cáo lại có đơn kêu oan gửi đến các cơ quan Trung ương nên trước khi xét xử phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm phải nghiên cứu hồ sơ một cách toàn diện, đầy đủ là hết sức cần thiết để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Ngoài ra, cũng cần phải thông cảm do cơ cấu tổ chức Tòa án có sự thay đổi theo quy định Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2015, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mới được thành lập, vừa qua lại có sự di chuyển trụ sở Tòa án này về địa chỉ mới nên có thể đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến vụ án kéo dài thời hạn xét xử phúc thẩm.

PV: Luật sư có niềm tin rằng bị cáo Đỗ Văn Chung sẽ sớm được minh oan?

LS Nguyễn Văn Chiến: Là luật sư bào chữa miễn phí cho bị cáo, được nghiên cứu hồ sơ vụ án, và được tham dự phiên tòa công khai, các chứng cứ đã được kiểm tra công khai và đầy đủ, tôi hiểu được sự thật khách quan của vụ án này với một số phân tích và lập luận nêu trên. Tôi cũng tồng tình với quan điểm của các luật sư đồng nghiệp tại phiên tòa sơ thẩm, ngoài việc không có căn cứ vững chắc để xác định yếu tố chiếm đoạt trong vụ án. Đây là yếu tố quan trọng bắt buộc của loại tội chiếm đoạt. Bên cạnh đó, luật sư Trần Đình Triển tham gia bào chữa cho bị cáo với tôi tại phiên tòa sơ thẩm cũng đã chỉ ra nhiều căn cứ xác định bị cáo Chung không phạm tội.

Trong lễ nhậm chức Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trên nghị trường kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIV vào sáng ngày 27/7/2016 vừa qua, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đã khẳng định quyết tâm xây dựng Tòa án nhân dân trong sạch và liêm chính, thực hiện tốt nhiệm vụ Hiến pháp quy định: bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Vì vậy, trong giai đoạn này, ngành Tòa án đang quyết tâm thực hiện đúng thông điệp của đồng chí Chánh án cam kết trước Quốc hội và nhân dân. Vừa qua, tử tù Trần Văn Thêm (Yên Phong, Bắc Ninh) đã được giải oan, hiện nay vụ Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh (Lý Nhân, Hà Nam), vụ Hàn Đức Long (ở Bắc Giang), Vụ Lê Văn khánh (ở Hà Tĩnh) cũng đang được người đứng đầu ngành Tòa án và người đứng đầu ngành Kiểm sát chỉ đạo xem xét khẩn trương, để sớm có kết luận.

Vì vậy, tôi tin rằng đơn kháng cáo của bị cáo Đỗ Văn Chung và đơn kêu oan của gia đình bị cáo sẽ được Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét thận trọng, khách quan đúng pháp luật và trên tinh thần cải cách tư pháp và chủ trương đổi mới của công tác xét xử để ra phán quyết công minh, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật cũng như quyền con người.

Lượt xem: 907
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật