Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Đừng để luật sư trở thành… 'luật sư phản chủ'

ĐBQH Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu hậu quả nếu Dự án Luật sửa đổi, bổ sung BLHS 2015 buộc luật sư tố giác tội phạm.

 

Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS 2015 (Dự án luật) do UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sáng 5-5 ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn.

ĐBQH Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có những góp ý thẳng thắn, nêu hậu quả tai hại nếu dự án luật nói trên buộc luật sư phải tố giác tội phạm như Điều 19.

Theo đó, khoản 1 quy định rằng: “người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì phải chịu TNSH về tội không tố giác tội phạm

“Nếu quy định luật sư sẽ phải chịu TNHS như trong Điều 19 được sửa đổi thì các luật sư sẽ không dám bào chữa án hình sự”, LS Chiến nhận định.

ĐBQH Nguyễn Văn Chiến, Ủy viên UB Tư pháp của Quốc hội, giả sử: Chẳng may khi gặp, thân chủ nói rằng: trước đây tôi đã lừa đảo 500 triệu, luật sư sẽ hiểu rằng: đó hành vi phạm tội đó sẽ phạm vào khoản 4, điều 139 BLHS quy định về tội lừa đảo ngay.

“Hiện nay, quy định ghi âm, ghi hình đã có. Khi CQĐT nghe lại sẽ biết ngay rằng: luật sư của thân chủ đã biết về việc phạm tội của thân chủ và có thể sẽ gọi luật sư lên ngay”, LS Chiến lo ngại.

LS Chiến cũng lưu ý rằng: Điều 19 quy định người nào “biết rõ”… “Biết rõ là thế nào? Một điều tra viên nếu muốn biết luật sư có “biết rõ” tội phạm hay không thì phải triệu tập. Mà như vậy thì luật sư sẽ bị chấm dứt ngay lập tức hoạt động nghề nghiệp đối với thân chủ mình”, LS Chiến phân tích.

Hậu quả là, theo LS Chiến, một LS nếu lâm vào tình trạng đó sẽ đang ở tư thế thực thi pháp luật, thi hành quyền bào chữa, tự dưng trở thành người tình nghi, hoặc ít nhất là trở thành người làm chứng.

Khoản 2 và khoản 3 Điều 19 về những trường hợp miễn TNHS khi không tố giác tội phạm trong dự án luật cũng được thiết kế giống nhau. LS Chiến cho rằng: thiết kế của dự án luật như vậy là “đánh đồng” luật sư với người thân thích của tội phạm. Và điều này trái với nguyên tắc của luật và đặc thù của nghề luật sư.

Điều đáng nói là BLSH 2015 đã không quy định luật sư phải tố giác tội phạm, như ở dự án luật. LS Chiến cho hay: lý lẽ để đưa thêm quy định luật sư phải tố giác tội phạm như khoản 3, điều 19 của dự án luật là cụm từ “pháp luật có quy định khác tại” khoản c, điều 9 Luật Luật sư. Theo đó, một trong các hành vi luật sư bị cấm là “Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”;

Tuy nhiên, nếu quy định như vậy, thì dự án luật lại mâu thuẫn với BLTTHS 2015, Điều 73 về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, trong đó không cho phép người bào chữa tiết lộ bí mật của thân chủ.

“Nếu quy định LS phải tố giác tội phạm thì mâu thuẫn và xung đột, trái nguyên tắc thống nhất với các luật khác. Chỉ tính riêng xung đột này thì Điều 19 đã không có lý do để tồn tại”, LS Chiến khẳng định.

Hiện nay, tội phạm có khung hình phạt từ 20 năm tù trở lên đã phải chỉ định LS bào chữa. Nhưng nếu quy định như trên, thì LS Chiến nói rằng các LS sẽ không dám nhận bào chữa.

“Nếu LS đi tố giác thân chủ chỉ một vụ thôi thì dư luận sẽ thế nào. LS của thân chủ, nếu đi tố giác thì sẽ là luật sư phản chủ. LS phải tuân thủ nguyên tắc không làm xấu đi tình trạng của thân chủ. Vậy nếu LS đi tố giác thì chắc chắn làm tình trạng của thân chủ xấu đi”, LS Chiến nói. 

Lượt xem: 872
Nguồn:http://plo.vn/phap-luat/dung-de-luat-su-tro-thanh-luat-su-phan-chu-699836.html Sao chép liên kết