Nội dung nào sẽ được Quốc hội giám sát năm 2018?
Thảo luận tại tổ về nội dung chương trình giám sát năm 2018, tại đoàn Hà Nội nhiều ý kiến trái ngược về các nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra.
Sắp xếp, cổ phần hóa DN được đề nghị giám sát trong năm 2018
Trước đó, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018. Tổng thư ký cũng đưa ra tiêu chí lựa chọn là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất;
Không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; Bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; Phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.
Theo đó, trong năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn 2 trong 4 nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại sao lại giới hạn 2/4 nội dung?
Thảo luận tại tổ về chương trình giám sát năm 2018, với 4 nội dung mà TVQH đề xuất, ĐB Nguyễn Chiến cho rằng, còn thiếu nhiều nội dung quan trọng cần thiết phải đưa vào. Ví dụ như vấn đề thực thi luật đất đai. Trong suốt thời gian qua, nhiều vụ việc, nhiều điểm nóng nổi lên đều do vấn đề đất đai nhưng chúng ta không có chương trình giám sát về nội dung này.
ĐB Nguyễn Chiến: Cần đưa vào nội dung giám sát về thực thi luật đất đai, bởi nhiều vụ việc, điểm nóng xuất phát từ đất đai. |
“Ngay trong báo cáo CP hôm qua 60 – 70% vụ việc khiếu kiện liên quan đến đất đai”- ĐB Chiến nói. Ngoài ra, một nội dung khác cũng được ĐB Nguyễn Chiến đề cập đến đó là, “năm nay chúng ta có 3 tháng vận dụng toàn dân đền ơn đáp nghĩa, qua tiếp xúc cử tri tôi thấy rất nhiều vụ việc người dân cống hiến hy sinh xương máu, người thân, gia đình chồng con nhưng hơn 60 năm chưa được giải quyết chế độ rốt ráo. Cho nên việc giám sát chính sách đối với công tác đền ơn đáp nghĩa mới hơp lòng dân”.
ĐB Nguyễn Quốc Bình cho rằng, TVQH đưa ra 4 chương trình giám sát rất quan trọng tuy nhiên nội dung sắp xếp lại DNNN nên để lại vì hiện nay Chính phủ đang thanh kiểm tra trong khi đó, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng chưa phân bổ xong cho nên hai nội dung này chưa cần giám sát.
Đối với hai nội dung còn lại là ATGT và luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần thiết giám sát. Bởi đối với nội dung ”Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” rất quan trọng vì trong thời gian qua còn nhiều vi phạm, tai nạn tiếp tục tăng…; hiện tượng vi phạm luật TNGT đường bộ nhiều từ hành vi vi phạm từ đường cao tốc, kinh doanh vận tải trái phép, quá tải, siêu trường siêu trọng có rất nhiều vấn đề.
”Từ ngày Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực chúng ta chưa giám sát về vấn đề này, cho nên nội dung này nên giám sát vào kỳ họp thứ 5 đầu năm 2018. Còn đối với miền núi, Đảng và chính phủ có nhiều chương trình nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra, nhiều nơi đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn trong sản xuất đào tạo nghề... cho nên nội dung này cũng nên tập trung giám sát trong kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018).
Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Cường lại cho rằng, giám sát, không có nghĩa là việc đó xong rồi mới thực hiện giám sát, vì giám sát những việc đang thực hiện cần hơn là xong rồi mới giám sát. Do đó, theo ĐB Cường thì có hai việc cần thiết giám sát đó là cổ phần hóa DN.
Nội dung thứ hai, theo ĐB Cường là sử dụng trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài. Đây là hai vấn đề khá quan trọng, giải quyết được hai vấn đề này sẽ giải quyết nút thắt của vấn đề kinh tế hiện nay.
“Tại sao lại phải hạn chế các vấn đề giám sát? Tại sao lại chỉ chọn lựa 2/4 nội dung mà UBTVQH nêu, theo tôi thì thấy cấp bách chúng ta có thể tăng, bởi Quốc hội ngoài việc xây dựng pháp luật thì hoạt động giám sát cũng có vai trò quan trọng không thua kém gì”- ĐB Hoàng Văn Cường nêu.
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.