Kỳ án khởi tố xong 14 năm mới tuyên án được nêu công khai tại Quốc hội!
Hai kỳ án có dấu hiệu oan sai trong các loạt bài điều tra dài kỳ trên Báo Dân trí gồm vụ khởi tố xong mãi 14 năm sau mới tuyên án sơ thẩm phạt tù hai anh em ruột tại Hoài Đức (Hà Nội) và vụ án VKSND tỉnh Hưng Yên quy kết sai tội bị can đã được ĐBQH Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nêu công khai tại Quốc hội.
Kỳ án khởi tố xong 14 năm mới tuyên án được nêu công khai tại Quốc hội!
Hai kỳ án có dấu hiệu oan sai trong các loạt bài điều tra dài kỳ trên Báo Dân trí gồm vụ khởi tố xong mãi 14 năm sau mới tuyên án sơ thẩm phạt tù hai anh em ruột tại Hoài Đức (Hà Nội) và vụ án VKSND tỉnh Hưng Yên quy kết sai tội bị can đã được ĐBQH Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nêu công khai tại Quốc hội.
Tại phiên thảo luận về các báo cáo về hoạt động tư pháp và phòng chống tham nhũng tại Quốc hội chiều ngày 6/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đã trực tiếp đề cấp đến 2 vụ án là điển hình trong công tác của tòa án để xảy ra dấu hiệu oan sai.
Theo đó, ông Chiến cho rằng: “Về công tác của tòa án, hiện nay khá nhiều vụ án có dấu hiệu oan rõ ràng nhưng án bị trả hồ sơ hủy đi hủy lại, kết quả không khắc phục được vi phạm, không chứng minh được tội phạm nhưng tòa án vẫn tuyên bị cáo là có tội. Dư luận đòi hỏi Đảng và Nhà nước đang nỗ lực cải cách tư pháp, xây dựng nguyên tắc tranh tụng để bảo vệ lợi ích của nhà nước, bảo vệ quyền con người trên cơ sở thực thi nguyên tắc suy đoán vô tội nhưng phải chăng những vụ án sau đây đã làm giảm lòng tin về nỗ lực đó.
Thứ nhất, vụ án Quản Đắc Quý, Quản Đắc Thúy cố ý gây thương tích tại Hoài Đức (Hà Nội) có dấu hiệu oan sai đã kéo dài hơn một thập kỷ với 13, 14 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Chứng cứ không có gì mới. Tòa án sơ thẩm vẫn buộc tội 2 bị cáo. Họ liên tục kêu oan khẳng định không có măt ở hiện trường. Nhiều nhân chứng khẳng định hai bị cáo không có mặt ở hiện trường. Có người khẳng định không nhìn thấy ai gây thương tích cho người bị hại nhưng các bị cáo vẫn bị kết án tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Thứ hai, vụ Đỗ Văn Chung lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Hưng Yên từ quan hệ cho vay lãi cao của người bị hại, người vay không bỏ trốn vẫn nhận nợ, vẫn trả nợ nhưng muốn đòi nợ một lần nên bị hình sự hóa bắt tạm giam. Tòa án sơ thẩm đã trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, kết quả không mới nhưng tòa chuyển tội danh Lạm dụng tín nhiệm và tuyên bị cáo bỏ tù.
Bị cáo tiếp tục kêu oan. Ban Dân nguyện Quốc hội cũng đã nhiều lần chuyển đơn kêu oan đến các cấp tòa án. Tòa án Cấp cao xét xử phúc thẩm xác định không đủ căn cứ phạm tội nhưng lại không tuyên bị cáo không phạm tội mà hủy án sơ thẩm trả điều tra bổ sung. Kết quả trả hồ sơ điều tra lại 3,4 lần, viện kiểm sát kiên quyết không ra bản cáo trạng nhưng do yêu cầu của cơ quan điều tra nên Viện kiểm sát Hưng Yên đã phải gia hạn truy tố thêm 10 ngày.
Vụ án có dấu hiệu oan sai rõ. Phiên tòa phúc thẩm đã thẩm tra, tranh tụng kỹ lưỡng nhận định bản án đã chỉ rõ những căn cứ hình sự hóa quan hệ dân sự nhưng quyết định lại đẩy về cho 2 cơ quan điều tra và truy tố không biết đến khi nào vụ án mới vãn hồi để người dân còn niềm tin vào công lý.
Đấu tranh chống tham nhũng là một nhiệm vụ quan trọng của toàn xã hội, các cơ quan tư pháp nhưng việc chống oan sai cũng là không thuộc trách nhiệm của riêng ai và càng không phải là trách nhiệm của luật sư bào chữa. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử phải tuyệt đối tuân theo pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”.
Khởi tố vụ án, 14 năm sau mới mở toà sơ thẩm tuyên án
Từ đơn kêu cứu khẩn cấp của hai anh em ruột Quản Đắc Thuý và Quản Đắc Quý, Báo Dân trí đã vào cuộc tìm hiểu và đăng tải gần 10 kỳ báo làm rõ nhiều góc khuất trong vụ việc.
Vụ án có dấu hiệu oan nghiêm trọng xảy ra tại Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội) kéo dài từ năm 2003 đến nay đã 14 năm với hơn 10 lần điều tra và điều tra bổ sung đối với các bị cáo Quản Đắc Thúy và Quản Đắc Quý được xem như một kỳ án trong lịch sử tố tụng hình sự.
Hàng loạt cơ quan Trung ương gồm TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao, nhiều đại biểu Quốc hội đã có công văn chuyển nội dung kêu oan của hai bị cáo Quý, Thúy đến Chánh án TAND TP Hà Nội đề nghị xem xét, giải quyết.
Luật sư Nguyễn Chiến - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã phân tích nhiều dấu hiệu oan sai trong vụ án:
“Vụ án kéo dài đã 14 năm, có đến hơn 10 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng những vấn đề mấu chốt để chứng minh tội phạm của vụ án vẫn không đầy đủ! Chính thời gian tố tụng của vụ án đã nói lên sự thật khách quan của vụ án là đâu.
Điều bất thường là việc tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án vào tháng 5/2017 vừa qua, những người làm chứng có tên trong quyết định đưa vụ án ra xét xử không được triệu tập và không có mặt tham gia tố tụng tại phiên tòa. Điều này ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án theo quy định tại Điều 10 BLTTHS.
Có một vài vấn đề quan trọng còn vướng mắc cần lưu tâm khi chứng minh tội phạm.
Thứ nhất, mâu thuẫn phát sinh giữa ông Quản Đắc Họp (bố của 02 bị cáo) với cha con người bị hại. Vụ án “cố ý gây thương tích” buộc tội đối với Quý và Thúy nhưng cả hai khẳng định không được chứng kiến sự việc, họ đều không có mặt tại thời điểm xảy ra việc mâu thuẫn giữa bố mình và cha con người bị hại. Người làm chứng phía bị hại khai có mặt Quý và Thúy tham gia cùng ông Họp đuổi đánh người bị hại, nhưng lại có có nhiều người làm chứng khác khẳng định khi xảy ra vụ án không có mặt Thúy và Quý, cũng không có ai gây thương tích cho ai. Đại diện UBND xã Vân Côn cũng đã xác nhận theo đơn của Quản Đắc Quý là trong cuộc xô xát, cha con người bị hại đều không hề bị đánh. Như vậy, Thúy và Quý có là đối tượng gây thương tích cho người bị hại hay không, đây là mấu chốt bắt buộc phải xác định sự thật vụ án”.
Thứ hai, việc trưng cầu giám định và đi giám định không khách quan. Theo xác nhận của đại diện UBND xã Vân Côn thì bản kết luận giám định pháp y về thương tích của người bị hại vào năm 2003 là do gia đình người bị hại tự đi làm và nộp cho công an xã.
Thứ ba, việc kết luận tỷ lệ thương tích tại Bản kết luận giám định pháp y còn đang gây tranh cãi vì người bào chữa của hai bị cáo cho rằng giám định viên đã áp dụng trái quy định tại Thông tư Liên tịch số 12 ngày 26/7/1995 của liên Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH để kết luận tỷ lệ thương tích cho người bị hại (thương tích vùng trán áp dụng tỷ lệ thương tật vùng hàm, kết luận suy nhược sau chấn thương sọ não thể nhẹ nhưng kết quả chụp X- Quang không có tổn thương sọ não…).
Thứ tư, vật chứng vụ án không thu thập, lời khai của các đương sự rất mâu thuẫn về việc có hay không có sử dụng hung khí khi xô xát giữa bố các bị cáo và người bị hại còn chưa có căn cứ vững chắc xác định nhưng các bị cáo lại bị cáo buộc và xét xử với tình tiết định khung “dùng hung khí nguy hiểm”.
Thứ năm, cơ chế vết thương không phù hợp với lời khai của các bên cũng như hung khí xác định trong vụ án.
Thứ sáu, lời khai của người bị hại, các nhân chứng hoặc của chính 01 nhân chứng cũng mâu thuẫn với nhau và họ cũng không thể giải thích rõ vì sao lại biết các tình tiết để có lời khai mâu thuẫn trong rất nhiều lần điều tra bổ sung như vậy. Đặc biệt còn bỏ sót nhiều người làm chứng khách quan của vụ án.
Ngoài ra, quá trình điều tra vụ án, còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự chưa được đề cập như việc tạo lập giấy tờ nhằm tranh chấp đất đai giữa người bị hại và ông Quản Đắc Họp".
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.