Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam: "Khẳng định vai trò giám sát của Mặt trận trong Luật Đất đai sửa đổi"

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 cần được sửa đổi theo hướng, quy định tách bạch hơn nữa trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai và tư cách quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt trong việc thu hồi đất cũng như quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước chịu sự giám sát của nhân dân và vai trò của Mặt trận đối với vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến.

PV: Thưa ông, sau gần 10 năm tổ chức thi hành, bên cạnh những thành công đã đạt được, Luật Đất đai năm 2013 đã xuất hiện nhiều bất cập, trong đó phải kể đến nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ những bất cập trong quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục của việc thu hồi đất. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là một trong những giải pháp lớn tạo động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội thông qua các dự án tầm cỡ quy mô lớn xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp,…

Tuy nhiên, quá trình thu hồi đất để phát triển kinh tế đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, như nhiều doanh nghiệp không có đủ năng lực tài chính, lợi dụng quy định này để “chạy dự án”, đầu cơ “giữ đất”, làm phát sinh những “dự án treo” ở nhiều nơi, gây lãng phí tài nguyên đất. Vì vậy, cần phải hoàn thiện các quy định pháp luật chưa bảo đảm mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính mà người dân khởi kiện yêu cầu hủy các quyết định thu hồi đất cho thấy trình tự, thủ tục thu hồi đất là một vấn đề cốt lõi ảnh hưởng đến tiến độ, sự thành công của công tác giải phóng mặt bằng.

Cụ thể những bất cập đó là gì, thưa ông?

- Tôi cho rằng, quy định về Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong Luật Đất đai năm 2013 chưa được cụ thể, rõ ràng, dẫn đến khó thực hiện. Cụ thể, Điều 68 Luật Đất đai năm 2013 quy định tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng gồm Tổ chức về dịch vụ công về đất đai, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tuy nhiên, Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định cụ thể thành viên thành phần trong Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư, không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng và cơ chế phối hợp của Hội đồng với các cơ quan, tổ chức khác trong quá trình giải phóng mặt bằng. Trình tự thủ tục thu hồi đất không quy định phương pháp ghi nhận hiện trạng khu đất bị thu hồi tại thời điểm thông báo thu hồi đất.

Bên cạnh đó, quy định về lấy ý kiến trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư không rõ ràng, khó thực hiện. Về Nguyên tắc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ không được cụ thể trong luật. Điều 93 Luật Đất đai năm 2013 là một quy định đảm bảo quyền lợi của người có đất thu hồi trong nhận tiền bồi thường, hỗ trợ: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất… cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi”. Tuy nhiên, quy định chưa xác định rõ trách nhiệm hoàn tất việc chi trả trong thời gian trên hay có thể chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thành nhiều đợt. Vì vậy cần bổ sung nguyên tắc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng, cụ thể “tiền bồi thường, hỗ trợ phải được chi trả đủ trong một lần theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt”. Việc chi trả trong thời hạn 30 ngày và phải trả đủ trong một lần mới đảm bảo giá trị và phát huy hiệu quả khoản tiền được nhận.

Cũng phải nói thêm về một số bất cập trong cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất chưa cụ thể, tạo nên sự lúng túng và không thống nhất khi thực hiện. Phương án cưỡng chế do Ban thực hiện cưỡng chế lập không quy định chi tiết các nội dung cần thiết; trong khi phương án này giữ vai trò quyết định và ảnh hưởng lớn đến kết quả công tác cưỡng chế và quyền lợi chính đáng của người bị cưỡng chế. Vì vậy, theo tôi, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần xem xét bổ sung quy định những nội dung cơ bản về phương án cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất.

Vậy các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục của việc thu hồi đất trong Luật Đất đai năm 2013 cần được hoàn thiện như thế nào trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo tính khả thi và đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn, thưa ông?

- Theo quan điểm cá nhân, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần hoàn thiện các bước trong quá trình thu hồi đất trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, khoa học, chặt chẽ và công bằng; quy định chi tiết về thành phần và chức năng nhiệm vụ của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý và tính thống nhất trong thành lập, hoạt động của Hội đồng.

Đồng thời cần thống nhất quy định về nội dung thông báo thu hồi đất tại Luật Đất đai; bổ sung cả nội dung giao nhiệm vụ lập và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm đảm bảo sự thống nhất với Luật Đất đai để người dân biết cụ thể nhiệm vụ của từng chủ thể, thuận lợi cho việc giám sát của nhân dân và trách nhiệm cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc cho nguời dân. Cần sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo hướng quy định tách bạch hơn nữa trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai và tư cách quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt trong việc thu hồi đất; trách nhiệm của Nhà nước chịu sự giám sát của nhân dân và vai trò của MTTQ đối với vấn đề này.

Đặc biệt lưu ý, cần quy định thể chế hóa tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW/2022 về bỏ khung giá đất áp giá thị trường, bồi thường tái định cư chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường tái định cư được phê duyệt, hoàn thành tái định cư trước khi thu hồi đất.

Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong tổng kết việc thi hành Luật Đất đai năm 2013, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các luật có liên quan nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; tôn trọng lấy ý kiến và nghiêm túc tiếp thu ý kiến của người dân trong quá trình soạn thảo và sửa đổi các văn bản pháp luật.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lượt xem: 82
Tác giả: Tiến Đạt
Nguồn:https://baomoi.com/khang-dinh-vai-tro-giam-sat-cua-mat-tran-trong-luat-dat-dai-sua-doi/c/43952096.epi Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật