Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó chủ tịch liên đoàn luật sư Việt Nam, Đại biểu Quốc Hội khóa XIV tiếp tục thảo luận về việc bãi bỏ chứng chỉ cho một bộ phận Công chức.

VẤN ĐỀ HÔM NAY, Chương trình thời sự VTV1 hồi 22 giờ 15 phút hôm nay thứ hai, ngày 05/7/2021 tiếp tục trò chuyện với chuyên gia những vấn đề nóng, Quốc hội, Chính Phủ quan tâm vì lợi ích chung của đất nước, xã hội cộng đồng.

- Thông tư mới của Bộ Nội vụ có hiệu lực từ ngày 01/08/2021 đã đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của hàng triệu công chức, viên chức, nhất là đội ngũ giáo viên trong ngành giáo dục và đào tạo đang hoang mang vì buộc phải đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Đây cũng là minh chứng rõ nhất thể hiện quyết tâm đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, nhất là phải khắc phục tình trạng hình thức, phô trương trong giáo dục, đào tạo; đồng thời thực hiện bằng được việc "học thật, thi thật, nhân tài thật" mà người đứng đầu Chính phủ đã đặt ra.

Ở Việt Nam, cải cách hành chính (CCHC) được xác định là một bộ phận quan trọng của công cuộc đổi mới, là trọng tâm của tiến trình cải cách nhà nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm công tác CCHC và đã có sự chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội được đề ra từ đầu năm, đồng thời, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Nhiều nghị quyết liên quan đến cải CCHC đã được Chính phủ ban hành, nhất là về công tác xây dựng pháp luật, đơn giản hóa TTHC.

Có ý kiến cho rằng, các loại chứng chỉ đối với công chức, viên chức hệt như “giấy phép con”. Việc loại bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết là một quyết định mang tính cách mạng trong nền hành chính công vụ.

Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm văn bằng, chứng chỉ là nhiệm vụ chung của các Bộ, ngành, địa phương. Tổng hợp các chuyên ngành công chức, viên chức được đề xuất bỏ chứng chỉ nhiều nhất, đặc biệt là ở khối viên chức. Thấy rõ nhất là nó sẽ giảm gánh nặng tiền bạc, thời gian, công sức cho hơn 3 triệu công chức viên chức. Lợi ích thấy ngay được là tiết kiệm 1200 tỷ đồng chi phí xã hội. Đồng thời sẽ tác động mạnh mẽ tới hệ thống quản lý, hiệu quả lao động của hệ thống công chức viên chức; sự chuyển động của chúng ta trong công tác cải cách nền hành chính công vụ theo hướng thực chất, khoa học và hiệu quả.

- Về việc vận dụng, áp dụng pháp luật cần có chấn chỉnh bảo đảm sự áp dụng thống nhất.

Trong đánh giá bình xét CBCC mức độ hoàn thành nhiệm vụ, các danh hiệu thi đua hàng năm ở một số cơ quan, Nghị định 90/2020 của Chính phủ không quy định khống chế tỷ lệ CBCC, VC về mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng một số địa phương lại ra văn bản khống chế tỷ lệ hoặc vận dụng áp dụng tỷ lệ đánh giá bình xét như đối với Đảng viên trong Tổ chức Đảng.

Nếu như vậy, sẽ có nhiều công chức thực sự có năng lực chuyên môn nghiệp vụ họ sẽ không muốn phát huy hết khả năng, vai trò trách nhiệm của mình. Đó chính là những bất cập ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền, là những cản trở lớn đối với mục tiêu xây dựng một nền hành chính phục vụ ở nước ta giai đoạn hiện nay.

Link chi tiết tại đây.https://vtv.vn/video/van-de-hom-nay-05-7-2021-509052.htm

Lượt xem: 642