Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Hiệp định TPP - Những ảnh hưởng tới quyền sở hữu trí tuệ, thuế và thương mại tại Việt Nam

Tham dự hội thảo có đại diện Văn phòng Quốc hội, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Luật sư Trần Tuấn Phong, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo và bày tỏ cảm ơn chân thành đơn vị tài trợ là Chi nhánh Công ty luật TNHH Baker&McKenzie Việt Nam và sự tham dự đông đủ của các đại biểu.

Sau phần phát biểu khai mạc, ông Fred Burke, Giám đốc điều hành Baker & McKenzie Việt Nam đã trao đổi về tổng quan của TPP và những ảnh hưởng của Hiệp định này tới Việt Nam. Theo ông, TPP là một Hiệp định thương mại đặc biệt, không chỉ vì các quốc gia có trong Hiệp định chiếm 30% tổng GDP và 40% tổng sản lượng xuất khẩu toàn cầu, mà còn vì TPP bao gồm nhiều điều khoản mới chưa từng có trong các Hiệp định trước, như điều khoản về môi trường, lao động... Trong trường hợp Hiệp định được thông qua, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất, với GDP dự kiến tăng thêm 10% cho tới năm 2016. Ông Burke cũng nêu lên những lo ngại của ông về việc TPP sẽ không được thông qua, đặc biệt là với những diễn biến chính trị gần đây của Hoa Kỳ, khi cả hai ứng cử viên Tổng thống đều đã nêu ý kiến không ủng hộ Hiệp định TPP.

Tại Hội thảo, ông Quách Minh Trí, luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN về những thay đổi trong luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cho biết: “Hiệp định TPP có dành riêng một chương cho các quy định về sở hữu trí tuệ, trong đó có tổng cộng là 82 điều và 6 phụ lục. Đáng chú ý, Hiệp định TPP thắt chặt các quy định về nhãn hiệu, bằng sáng chế và bản quyền, nhưng lại nới lỏng các quy định đối với nhà cung cấp Internet. Ngoài ra, các quốc gia tham gia Hiệp định cũng phải tuân thủ hai nguyên tắc căn bản: phải đưa ra một hệ thống đăng ký nhãn hiệu online và phải xây dựng hệ thống để công bố các quyết định tư pháp và thủ tục hành chính về sở hữu trí tuệ”. Cũng theo ông Trí, lần đầu tiên TPP yêu cầu các nước thành viên phải bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và cố gắng trong việc bảo hộ nhãn hiệu mùi, cũng như đưa ra quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm cho dược phẩm và nông hóa phẩm.

Cũng tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Trung, Cố vấn cấp cao của Baker & McKenzie Viet Nam đã trình bày về những ảnh hưởng của TPP tới thuế và thương mại Việt Nam. Theo ông Trung, đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong Hiệp định TPP là Hoa Kỳ - với kim ngạch lớn và là quốc gia duy nhất mà Việt Nam đang xuất siêu. Ngoài ra, ông cũng cho rằng những ảnh hưởng của TPP tới nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể được nhìn thấy trong thời gian ngắn, vì đa số các dòng thuế sẽ được cắt giảm đã đang ở mức rất thấp, hoặc sẽ phải mất một thời gian dài để giảm về 0%. Điều này giúp cho các doanh nghiệp nội địa có một khoảng thời gian thích nghi với những quy định mới, đặc biệt là các quy định về nguồn gốc xuất xứ. Ông Trung cho biết: với những ảnh hưởng dài hạn và các quy định đặc biệt trong cách tính giá trị gia tăng, Hiệp định TPP sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh hoàn toàn mới, có sức cạnh tranh cao, từng bước thiết lập một chuỗi cung ứng nội khối giữa các thành viên trong TPP. Bên cạnh đó, Hiệp định TPP còn đóng góp trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch và tính thực thi cao tại Việt Nam, trong đó đặt vai trò thuận lợi hóa các hoạt động kinh doanh lên mức cao nhất.

Sau mỗi phần trình bày, các diễn giả đều dành thời gian để các đại biểu chia sẻ những thắc mắc về Hiệp định TPP. Phần hỏi đáp được đánh giá là có ý nghĩa rất lớn đối với những đại biểu tham dự, đặc biệt là các đại diện đến từ các doanh nghiệp. Hội thảo đã trao đổi sâu về nhiều vấn đề quan trọng của Hiệp định TPP sẽ tác động đến Việt Nam, được giới chuyên môn và các đại biểu đánh giá cao.

Kết thúc phần trình bày của các diễn giả đến từ Chi nhánh Công ty luật Baker&Mckenzie Việt Nam, luật sư Phùng Anh Tuấn điều hành Công ty Luật VCI legal đã tổng hợp lại những tác động của Hiệp định TPP đối với Việt Nam.

Hội thảo đã thành công tốt đẹp, thu hút được gần 80 đại biểu tham dự, không chỉ gồm các luật sư thuộc thành viên Câu lạc bộ, mà thu hút quá nửa là đại diện các doanh nghiệp. Kết thúc Hội thảo, Luật sư Đỗ Trọng Hải, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam đã bày tỏ cảm ơn chân thành các đại biểu đã dành thời gian tham dự và tuyên bố bế mạc hội thảo./.

Lượt xem: 660