Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Hạn chế tình trạng lợi dụng khiếu nại, tố cáo để trì hoãn thi hành án

Pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) trong Thi hành án dân sự (THADS) hiện nay được quy định tại Luật THADS, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ, Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 1/2/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tuy nhiên các quy định này còn nhiều tồn tại, bất cập làm ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết KNTC nói riêng, công tác THADS nói chung.

Cụ thể, Luật Tố cáo năm 2018 quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết. Trong khi đó, Luật THADS và các văn bản chi tiết lại quy định thẩm quyền là do người đứng đầu cơ quan đó giải quyết. Quy định này nhằm hạn chế các vụ việc tố cáo phải giải quyết theo thẩm quyền đến các cơ quan cấp trên. Tuy nhiên, quy định này cũng bộc lộ bất cập khi người dân không đồng ý với kết luận nội dung tố cáo của cơ quan THADS thì họ đều tố cáo tiếp đến cơ quan cấp trên trực tiếp. 

Một số quy định mới của Luật Tố cáo năm 2018 chưa được đề cập đến trong Thông tư số 02/2016/TT-BTP nên đang có cách hiểu và áp dụng khác nhau như: Trường hợp xử lý đối với đơn có nội dung rõ ràng nhưng không có họ tên, địa chỉ người tố cáo; qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo dùng tên người khác để tố cáo; thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không thực hiện thành đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Ngoài ra, Luật Tố cáo năm 2018 quy định trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn cũng như Thông tư số 02/2016/TT-BTP đều không quy định quy trình để xác định như thế nào là vụ việc đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định, có phải chỉ những vụ việc đã được giải quyết bằng quyết định giải quyết khiếu nại không hay cả những vụ việc đã có văn bản trả lời cũng được coi là đã được giải quyết?

Tính chất đặc thù của công tác THADS là động chạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của một trong các bên có liên quan và bất kỳ quyết định, hành vi nào của Thủ trưởng, Chấp hành viên cũng có thể bị khiếu nại. Vì vậy, có không ít trường hợp đương sự lợi dụng việc KNTC để cố tình trì hoãn việc thi hành án, dẫn đến KNTC kéo dài, không thể xử lý dứt điểm. Mặt khác, hiện cũng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của người tham gia KNTC. Điều này dẫn đến việc công dân KNTC tràn lan tại nhiều cơ quan THADS mà quyết định giải quyết khiếu nại không liên quan và không tác động trực tiếp đến người khiếu nại.

Điều 37 Luật THADS quy định các trường hợp thu hồi đối với các quyết định về thi hành án của người có thẩm quyền, trong đó có quyết định giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, đối với công văn, thông báo, kết luận… không có biểu mẫu thu hồi dẫn đến việc các cơ quan THADS còn lúng túng khi thực hiện.

Còn Thông tư số 02/2016/TT-BTP quy định việc thụ lý tố cáo phải thực hiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp do đơn tố cáo không rõ nội dung hoặc người tố cáo không cung cấp các thông tin, tài liệu buộc người có thẩm quyền phải làm việc với người tố cáo thì thời hạn giải quyết đối với các vụ việc này cũng bị kéo dài. Do vậy, quy định về việc xác định thời hạn thụ lý tố cáo từ ngày nhận được đơn trong trường hợp này là không phù hợp.

Từ những bất cập trên, đặt ra yêu cầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của về KNTC trong THADS còn vướng mắc, chưa được quy định, hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ, Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 1/2/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Đối với các vụ việc KNTC phức tạp, bức xúc thì thủ trưởng cơ quan THADS phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm đối với vụ việc đồng thời kịp thời báo cáo, đề xuất Ban chỉ đạo THADS, các cơ quan cấp trên để xin ý kiến kịp thời, không để phát sinh thành điểm nóng. Ngay từ giai đoạn đối thoại, nếu cần thiết thì cơ quan THADS cần phối hợp với các cơ quan liên quan để giúp người dân nắm bắt các quy định pháp luật để tránh KNTC vượt cấp. Nếu việc giải quyết KNTC đã đúng quy định thì cũng cần giải thích, giải quyết dứt điểm, rõ ràng cho người dân để tránh việc người dân tiếp tục gửi đơn, ảnh hưởng đến việc tổ chức thi hành án.

Lượt xem: 1.077
Nguồn:baophapluat.vn Sao chép liên kết