Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

Khó khăn trong thu thập và đánh giá chứng cứ các vụ án hình sự

Đối với luật sư, việc nắm bắt lý luận và sử dụng chứng cứ trong tố tụng hình sự là yếu tố quan trọng bảo đảm thành công trong tranh tụng.

 Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giai đoạn 2015 – 2018 và tiếp nối thành công các hội thảo trước đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục phối hợp với Quỹ hợp tác quốc tế Đức về pháp luật (IRZ) tổ chức Hội thảo “Kỹ năng thẩm vấn và tranh tụng của luật sư trong các vụ án hình sự” để trao đổi, chia sẻ các kiến thức, kỹ năng hành nghề trong đó đặc biệt chú trọng tới các kỹ năng thu thập, kiểm tra, sử dụng và đánh giá chứng cứ.
 Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh về vai trò mang tính quyết định sự thật khách quan của chứng cứ trong các vụ án hình sự. Đối với luật sư, việc nắm bắt lý luận về chứng cứ, khả năng thu thập và sử dụng chứng cứ trong tố tụng hình sự là yếu tố quan trọng bảo đảm thành công của luật sư trong tranh tụng. Do vậy, hoạt động này cần khách quan, cẩn trọng để loại trừ hiện tượng sai lệch hồ sơ, chứng cứ phản ánh sự việc không đúng sự thật dẫn đến oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm đồng thời bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho khách hàng.
Mặc dù Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015 đã quy định luật sư có quyền thu thập chứng cứ bình đẳng với bên buộc tội, tuy vậy do đặc thù nghề nghiệp là luật sư đơn phương thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người phạm tội nên thường gặp khó khăn, bất lợi hơn và từ chính phía các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tiếp cận, phát hiện và thu thập các chứng cứ liên quan để phục vụ cho quá trình bào chữa.
Cùng với đó, đến nay vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể của BLTTHS về quyền của luật sư cũng như trách nhiệm cung cấp chứng cứ của các cơ quan hữu quan nên hoạt động thu thập, tài liệu chứng cứ của luật sư còn rất khó khăn. Nhiều băn khoăn cụ thể được các luật sư đề cập tới như: làm cách nào để đảm bảo tính bảo mật trong quá trình thu thập đánh giá chứng cứ của luật sư, chi phí phục vụ quá trình này được thực hiện theo cơ chế nào và từ nguồn nào; còn nhiều trở ngại trong việc công nhận các chứng cứ được thu thập qua email, mạng xã hội; việc đánh giá chứng cứ của luật sư còn thiếu bình đẳng…
 Ngoài ra, tùy theo mỗi giai đoạn tố tụng, khi thu thập được các tài liệu liên quan đến vụ án thì người bào chữa phải có trách nhiệm giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng, không được công khai nên rất dễ bị vô hiệu hóa hoặc bị làm sai lệch. Do vậy, luật sư khi thu thập được chứng cứ cần lựa chọn thời điểm đưa ra phù hợp trong quá trình tố tụng của vụ án nhằm bào chữa và bảo vệ tối đa quyền lợi của thân chủ.
Nêu lên một số điểm khác biệt trong quá trình tác nghiệp của luật sư tại Đức, Chủ tịch Đoàn Luật sư Hanseatic tại Humburg Otmar Kury chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng như thẩm vấn nhân chứng để đạt hiệu quả và bảo đảm không bị “tấn công ngược”, các trường hợp cần thiết mời chuyên gia, giám định viên để củng cố chứng cứ, nguyên tắc không có người thứ ba tham gia hoặc giám sát khi luật sư tiếp xúc với thân chủ, một số quyền của luật sư khi thu thập chứng cứ…
Ngoài những trở ngại liên quan về vấn đề chứng cứ thì còn có thể đề cập tới những khó khắn trong quá trình tham gia tố tụng tại phiên tòa hình sự như: Địa vị pháp lý của người bào chữa là người tham gia tố tụng không bình đẳng so với các chủ thể tiến hành tố tụng; còn khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa, trong giai đoạn điều tra, truy tố chưa đảm bảo cho luật sư thực hiện tranh tụng tại phiên tòa; không có trình tự xem xét, giải quyết các yêu cầu cung cấp chứng cứ và quyền đánh giá chứng cứ của luật sư; không quy định rõ vai trò của luật sư trong thủ tục xem xét bản án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm…
Do vậy để khắc phục một cách tối đa những vướng mắc trên, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Phan Trung Hoài cho rằng các luật sư cần nắm vững các kỹ năng về chuẩn bị bài bào chữa; kỹ năng thẩm vấn, kiểm tra chứng cứ tại phiên tòa; trình bày bài phát biểu tranh tụng và đối đáp tại phiên tòa; khả năng kiểm soát diễn biến phiên tòa và ứng xử chuẩn mực với các chủ thể tiến hành tố tụng và với khách hàng; kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh sau phần tranh tụng và khả năng ứng biến tại phiên tòa.

Lượt xem: 799