Tạm giam phụ nữ 42 tháng ở Thành phố Hồ Chí Minh là chuyện không thể chấp nhận
Ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh, một phụ nữ đang bị tạm giam đến 42 tháng vì những cáo buộc không có thật, những chứng cứ giả dối của Viện kiểm sát...
Thời gian vừa qua, nhiều vụ việc giam, giữ người quá thời hạn, giữ người trái pháp luật khiến dư luận hết sức bức xúc.
Có những trường hợp thời gian tạm giam lên tới gần 4 năm nhưng cơ quan tố tụng vẫn không kết luận được có tội.
Có rơi vào hoàn cảnh này mới thấy được sự mất mát, đau thương của những số phận không may bị đẩy vào vong quay may rủi của tố tụng hiện nay.
Nhiều người chờ đợi, hy vọng, Bộ luật hình sự mới ra đời với quyền suy đoán vô tội được cụ thể hóa trong các điều luật thì những ai rơi vào hoàn cảnh bị bắt tạm giam, tạm giữ kéo dài sẽ được bảo vệ. Những kẻ, tạo ra nghiệt cảnh đau thương sẽ bị trừng trị.
Có người còn mơ đến viễn cảnh người thân của họ bị bắt tạm giam, tạm giữ kéo dài sẽ được trả tự do.
Nhưng khi theo dõi Quốc hội, trong phiên thảo luận ngày 24/5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, ông Dương Ngọc Hải (đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) - đang giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có một phát biểu làm "nhói tim" nhiều người.
Ông Dương Ngọc Hải - người có phát biểu tại Quốc hội gây bức xúc trong xã hội (ảnh nguồn quochoi.vn). |
Theo ông Dương Ngọc Hải: "Tôi đề nghị giữ nguyên Điểm b và Điểm d Khoản 1, Điều 377, vì nếu như bỏ tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỉ luật về một trong các quy định tại điều này mà còn vi phạm thì tôi cho rằng phạm vi hình sự hóa quá rộng và tràn lan, không phản ánh được ý thức chủ quan của những người tiến hành tố tụng.
Nếu quy định như vậy thì những người ra lệnh bắt giữ, giam không có căn cứ hoặc không ra lệnh quyết định tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam quá hạn thì những trường hợp này sẽ bị khởi tố.
Trong khi đó, chúng tôi thấy rằng Bộ luật tố tụng hình sự quy định đối với những trường hợp này, những trường hợp ra lệnh tạm giữ tạm giam mà không có căn cứ thì Viện kiểm sát có quyền hủy các quyết định này.
Nếu như Viện kiểm sát cấp dưới ra quyết định thì Viện kiểm sát cấp trên có quyền hủy.
Quy định như vậy thì vô tình, đối với các trường hợp mà Viện kiểm sát hủy các quyết định giam, giữ không có căn cứ hoặc vì một lý do nào đó mà việc ra lệnh tạm giữ, tạm giam bị chậm trễ dẫn đến quá hạn thì tất cả các trường hợp này bị xử lý hình sự.
Chúng tôi cho rằng quá nặng nề, quá khắt khe và ảnh hưởng đến tâm lý của những người tiến hành tố tụng và ảnh hưởng đến việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là trong lúc chúng ta chuẩn bị thực hiện Bộ luật hình sự mới cũng như là Bộ luật tố tụng hình sự chuẩn bị sẽ có hiệu lực.
Do đó, tôi đề nghị vẫn giữ nguyên tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm”.
Lập luận của ông Dương Ngọc Hải khiến dư luận bức xúc vì chẳng khác nào
cho phép người tiến hành tố tụng có quyền ít nhất một lần được sai, chẳng khác nào chà đạp lên quyền con người mà Bộ luật hình sự đang bảo vệ.
Và nếu ý kiến của ông Dương Ngọc Hải được cụ thể hóa trong Bộ luật hình sự, thử hỏi lẽ công bằng cho những người bị tước quyền tự do, bị tạm giam, tạm giữ kéo dài do lỗi của người tham gia tiến hành tố tụng sẽ được bảo vệ như thế nào?
Người tiến hành bắt tạm giam, tạm giữ trái pháp luật mà không bị xử lý ngay thì làm sao hạn chế được tình trạng giam giữ người lâu năm khi người đó chưa phải là tội phạm.
Giam giữ người trái pháp luật đã là nghiêm trọng
Xung quanh vấn đề này, bên hành lang Quốc hội ngày 5/6, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (đại biểu đoàn Hà Nội).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến đoàn Hà Nội (ảnh nguồn quochoi.vn). |
Theo ông Nguyễn Chiến: "Những trường hợp bắt tạm giam kéo dài ba bốn năm, bốn năm năm là những trường hợp hy hữu, trường hợp không tuân thủ thời hạn theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, đối với cả loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều có thời hạn điều tra, gia hạn điều tra đến một thời điểm nhất định thì phải chuyển hồ sơ truy tố, xét xử.
Nếu như không đủ tài liệu chứng cứ buộc tội thì trách nhiệm của cơ quan tố tụng là phải ra một trong những quyết định có thể là đình chỉ, có thể là truy tố để đưa ra xét xử nếu không đủ thì phải đình chỉ và trả tự do cho công dân".
Lý giải thêm, vị đại biểu Quốc hội này cho biết: "Trong thời hạn luật pháp cho phép nhưng không thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ chứng minh tội phạm thì nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ được áp dụng để đình chỉ điều tra đối với bị cạn".
Liên quan đến Điều 377 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi), về trách nhiệm của người ban hành lệnh tam giữ, tạm giam quá thời hạn, vi phạm pháp luật, theo quan điểm của ông Nguyễn Chiến: "Bắt tạm giam trái pháp luật, hậu quả tạo ra cho người dân phải gánh chịu đó là uy tín, nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm.
Tất cả những quyền con người được pháp luật bảo vệ đã bị xâm phạm và đó là hậu quả nghiêm trọng rồi.
Cho nên, khi cho phép bắt tạm giam đối với một người tức là tước đi quyền tự do của họ. Theo quy định của Hiến pháp nếu như bắt giam người trái pháp luật thì đã phải chịu trách nhiệm.
Do đó, không thể đòi hỏi người ra lệnh tạm giữ, tạm giam vượt quá thời gian quy định nhưng gây hậu quả nghiêm trọng rồi mới bị xử lý hình sự. Đòi hỏi như vậy tôi cho rằng không phù hợp".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn, đoàn Đà Nẵng (ảnh nguồn quochoi.vn). |
Cũng liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn, đoàn Đà Nẵng - Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Đà Nẵng cho biết: "Việc tạm giữ, tạm giam người 3 năm thậm chí là 5 năm cái đó là cái sai phạm của cơ quan tố tụng.
Thời còn là một kiểm sát viên của ngành kiểm sát, khoảng hơn 10 năm trước trong một lần giám sát của Quốc hội tôi có nghe thông tin ở một địa phương có người bị bắt tạm giam rồi người ta bỏ quyên đi trong trại tạm giam đến 3 năm.
Thực sự, tôi rất ngạc nhiên về những thông tin hiện nay có người bị tạm giam đến 3 năm.
Tôi cho rằng, việc giam giữ người trái phép là hành vi vi phạm, hành vi cố ý thì anh phải bị xử lý. Còn hậu quả đến đâu là một chuyện. Anh đã bắt người tức hành vi của anh là cố tình".
Câu hỏi trách nhiệm của ông Dương Ngọc Hải
Đa số những đại biểu Quốc hội khi được hỏi về việc tạm giam người trên 3 năm đều cho rằng đó là hành vi sai trái và đó là chuyện hy hữu trong tố tụng.
Chiếu theo trường hợp của bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Kế toán trưởng Công ty L&M Việt Nam) đã bị giam giữ 42 tháng (khoảng 1.260 ngày) thì đúng là một chuyện hy hữu.
Theo quan điểm của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến, nếu như anh không chứng mình được tội thì theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì phải thả người.
Người ký quyết định về tạm giam, tạm giữ quá thời hạn sẽ bị trách nhiệm hình sự.
Trong vụ việc của bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải thì một trong những người ra các lệnh bắt, tạm giam bà Tuyết chính là ông Dương Ngọc Hải - khi ở cương vị Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Khi cần bắt, truy tố bà Tuyết ra tòa, chính ông Dương Ngọc Hải đã "đanh thép" khẳng định trong cáo trạng rằng bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết "làm giả con dấu, làm giả chữ ký ông Yee Lip Chee, Tổng giám đốc Công ty L&M Việt Nam; làm giả hồ sơ, sổ sách kế toán và đã chiếm đoạt 12,7 tỷ đồng của tiêu sài cá nhân".
Còn đối với Wong Kong Hee, Chủ tịch và Yee Lip Chee, Tổng giám đốc Công ty L&M Việt Nam, ông Dương Ngọc Hải hạ giọng nhận xét: "Mặc dù có nhiều chữ ký trên các chứng từ nhưng 2 ông này không biết, không cùng Tuyết chiếm đoạt tài sản của Công ty L&M Việt Nam và 2 ông này là bị hại của vụ án".
Tại hồ sơ vụ án và tại chính các phiên tòa công khai, đại diện Viện kiểm sát là Kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu thì không thể trưng ra được bất cứ chứng cứ nào để thể hiện việc bà Tuyết làm giả các loại giấy tờ như cáo trạng truy tố theo yêu cầu của Hội đồng xét xử và các luật sư mà ngược lại, chính vị đại diện cơ quan công tố này buộc phải đề nghị Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra các "bị hại" mà trước đó Viện kiểm sát đã dốc hết sức để bảo vệ là Yee Lip Chee.
Tuy nhiên, đề nghị là vậy nhưng ngay sau đó, nhờ sự "chậm trễ, đủng đỉnh" không ra lệnh cấm xuất cảnh của Công an và Viện kiểm sát, Yee Lip Chee và Wong Kong Hee - những kẻ trước đó tố cáo bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", những kẻ bị Hội đồng xét xử đọc quyết định khởi tố vụ án để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã nhanh chân rời khỏi Việt Nam khiến Cơ quan điều tra đến nay không thể nào tìm nổi những tên này để xử lý.
Còn bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết thì vẫn bị ông Dương Ngọc Hải và thuộc cấp ở Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đều đặn ký các quyết định tạm giam "để điều tra" vì "có căn cứ vi phạm pháp luật", mặc dù đến nay, tất cả những ai biết về vụ án này đều không hiểu những "căn cứ vi phạm pháp luật" này là gì.
Vậy trách nhiệm của ông Dương Ngọc Hải ra sao khi ký lệnh bắt tạm giam bà Tuyết với những bằng chứng tưởng tượng, những bằng chứng bịa đặt?
Và bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết còn bị giam giữ đến bao giờ với lý do chung chung của Viện kiếm sát "có căn cứ vi phạm pháp luật"?
Một công dân bị tạm giam với thời hạn dài với những lý do mù mờ như vậy có phải là điều hổ thẹn của nền tư pháp Việt Nam không?
Tại phiên tòa ngày 19/1/2017, Tòa án cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định "chưa có căn cứ bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản", tòa cũng hủy án sơ thẩm và yêu cầu điều tra lại vụ việc.
Tòa cũng ra lệnh cho Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh phải khởi tố điều tra đối với Yee Lip Chee cùng vụ án với bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết mới làm sáng tỏ được vụ án: "có hay không hành vi gian dối của bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết" - là yêu cầu bắt buộc khi muốn kết tội người đã bị tạm giam nhiều năm.
Khi ông Dương Ngọc Hải đang phát biểu ở Quốc hội với vai trò là đại biểu của dân thì bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết vẫn đang bị tạm giam, mòn mỏi chờ đợi công lý lên tiếng.
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.