Kiến thức, kinh nghiệm và sự tận tâm

312 văn bản bị “thổi còi”: Ai bị xử lý

Tại kỳ họp 7, Quốc hội khoá 13, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra 312 văn bản bị “thổi còi” nếu thực hiện trong thực tế sẽ gay go. Nếu dân không thực hiện thì vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự. Câu hỏi dư luận đặt ra: Dân sai thì bị xử lý, người soạn thảo ra những văn bản sai ai xử?

Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 17/2008/QH12 tại điều 87 có ghi: Giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật: Văn bản quy phạm pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra theo quy định của pháp luật; Việc giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành nhằm phát hiện những nội dung sai trái hoặc không còn phù hợp để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xác định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản sai trái.
              Đồng thời tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật ban hành văn bản tại điều 34 cũng có quy định về “Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật… ngoài việc xử lý theo luật công chức viên chức còn quy định có thể xử lý hình xự khi gây hậu quả nghiêm trọng”…
             Tuy nhiên, đến nay dù có nhiều văn bản ban hành sai bị tuýt còi nhưng vẫn chưa có một cá nhân, hay cơ quan nào bị xử lý vì đã ban hành văn bản trái luật. Có nhiều lỗi khác nhau như: sai về căn cứ pháp lý, sai về thể thức, sai về thẩm quyền, sai cả về nội dung. Rõ ràng ở đây đã có những hành vi làm trái luật của các tổ chức, cá nhân.
               Nhà nước pháp quyền, ở đó pháp luật là tối thượng, từ con dân đến quan chức đều phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật, không có vùng cấm trong việc xử lý sai phạm. Việc 312 văn bản bị “tuýt còi” mà không có ai/cơ quan nào bị xử lý hoặc việc xử lý không được công khai. Sẽ tạo tiền đề cho việc coi thường pháp luật từ ngay chính những cơ quan/con người có thẩm quyền, hệ luỵ của nó có thể dẫn đến tình trạng “bất cứ văn bản nào bàn hành sau này đều bị phản ứng với thái độ tiêu cực.
               Việc quan tâm đến thái độ, phản ứng của người dân có lẽ là điều các chính khách/quan chức của Việt nam vẫn còn bị coi nhẹ. Việc tuyên truyền, vận động cho chính sách đáng lẽ phải được thực hiện từ trước đó. Vì coi nhẹ vấn đề này nên một số chính sách chúng ta ban hành gần đây, bên cạnh những chính sách không phù hợp, cũng có những chính sách phù hợp nhưng dư luận vẫn phản đối, làm quá trình ban hành chính sách bất lợi, mất thời gian hơn. Cách làm của các cơ quan công quyền của ta hiện nay làm người dân có cảm giác các nhà lãnh đạo muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, không để ý đến ý kiến của số đông dân chúng.

Lượt xem: 623
Bài viết liên quan