Tòa án nhân dân: Biểu tượng công lý và sự liêm chính
Với mỗi quốc gia, hệ thống tư pháp trong đó có Tòa án đều đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Hiến pháp 2013 của Việt Nam đã xác lập những cơ sở hiến định mới cho cuộc cải cách vì một nền tư pháp liêm chính theo hướng chỉ rõ sứ mệnh trọng yếu của Tòa án là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Tòa án ở vị trí trung tâm trong tố tụng
Có thể thấy đây là những điểm mới có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử lập hiến của Việt Nam, khẳng định những nguyên tắc của một nền tư pháp hiện đại như nguyên tắc hai cấp xét xử mà thực chất là một đảm bảo để thúc đẩy quyền của người bị buộc tội được yêu cầu xem xét lại bản án; nguyên tắc về quyền bảo chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự; nguyên tắc về sự tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân. Đây là những nguyên tắc mang tính dân chủ và đề cao quyền tiếp cận công lý của người dân. Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp phải đảm bảo các quyền trên được thực hiện đầy đủ.
Quyền tư pháp được hiểu là quyền xét xử nhưng phạm vi quyền này trải rộng từ khi khởi tố vụ án hình sự cho đến khi thi hành xong bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với nhận thức chung về phạm vi quyền tư pháp mà còn có ý nghĩa đối với phạm vi khác như: phạm vi và mức độ của nguyên tắc tranh tụng (từ giai đoạn khởi tố điều tra đến xét xử); tính chất của hoạt động thi hành án… Kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, để bảo đảm các nguyên tắc quan trọng của tố tụng hình sự, như nguyên tắc bảo đảm quyền có luật sư bào chữa của bị can, bị cáo; nguyên tắc các bên bình đẳng trong việc thu thập, sử dụng chứng cứ chứng minh trong vụ án hình sự, theo đó yếu tố tranh tụng được hết sức chú trọng ngay từ giai đoạn điều tra.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến
Tòa án được xác định là vị trí trung tâm trong tố tụng hình sự và thi hành công lý. Vị trí này bắt nguồn từ vai trò bảo vệ công lý, bảo đảm quyền tiếp cận công lý của công dân. Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc về quyền và khả năng tiếp cận công lý được coi là một trong những nguyên tắc bản chất của quyền tư pháp. Quyền tiếp cận công lý, trước hết là quyền được Tòa án xét xử và xét xử kịp thời, quyền bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng trước Tòa án. Tố tụng hình sự trong nhà nước pháp quyền xuất phát từ nguyên lý về sự độc lập của tư pháp, sự độc lập của Tòa án. Bất cứ ai đều có quyền đòi hỏi việc xét xử công bằng và công khai do một Tòa án có thẩm quyền, độc lập xét xử để quyết định về lời buộc tội trong vụ án hình sự hoặc xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong tố tụng hình sự.
Liêm chính tư pháp là một yêu cầu của xã hội, của công chúng về nền tư pháp của mình, là những tố chất cần phải có của một nền tư pháp và đối với cán bộ tư pháp nhằm đảm bảo thực hiện sứ mệnh của mình. Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề cập về vấn đề này: “Đòi hỏi của công dân và xã hội đối với cơ quan tư pháp ngày càng cao; các cơ quan tư pháp phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa…”. Cùng với đó là vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân được nêu cao. Theo đó, tập trung vào mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc và hoạt động tư pháp, trong đó trọng tâm là hoạt động xét xử được bảo đảm với hiệu quả và hiệu lực cao.
Để có nền tư pháp với nhiều tính ưu việt như thế, chúng ta cũng đã chú trọng xây dựng chế định Tòa án nhân dân tại chương VIII Hiến pháp năm 2013 với nội dung có nhiều đổi mới quan trọng được hiến định như: vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc và hoạt động của Tòa án nhân dân; nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, bảo đảm tranh tụng tại Tòa án và áp dụng thống nhất pháp luật... Điều dễ nhận thấy, Tòa án là cơ quan tư pháp nhân danh Nhà nước, thay mặt nhân dân xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết các tranh chấp trong xã hội nên trong các hoạt động này luôn có sự liên quan và gắn bó chặt chẽ với quyền con người, lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Việc xét xử công tâm trên tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ giúp chấm dứt các hiện tượng tiêu cực trong đời sống tư pháp, ngăn chặn vi phạm quyền con người, xâm phạm lợi ích chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức... dẫn đến xét xử oan, sai.
Tòa án phải là biểu tượng của công lý
Ngày 27/7/2016 là một ngày trọng đại khi Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Hòa Bình được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2016-2021. Sau lời tuyên thệ nhậm chức là bài phát biểu trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, thể hiện rõ quyết tâm của người đứng đầu hệ thống Tòa án là xây dựng Tòa án nhân dân trong sạch và liêm chính, thực hiện tốt nhiệm vụ Hiến pháp quy định. Đó là thông điệp về việc xây dựng “Tòa án nhân dân trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin như mong đợi của nhân dân”.
Những quyết tâm chính trị đó được nhân dân rất đồng tình, xã hội ghi nhận. Song để thực hiện được mục tiêu này, cần phải có cơ chế bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán và thực hiện tốt những cải cách được thể chế hóa trong tố tụng hình sự, đề cao nguyên tắc tranh tụng và hoạt động tranh tụng giữa các bên buộc tội và bên gỡ tội bình đẳng là yếu tố hết sức quan trọng. Để thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp của Hiến pháp 2013, Tòa án các cấp cũng cần có các biện pháp tích cực, tổ chức mô hình phòng xử án mới theo quy định của BLTTHS 2015.
Trong xét xử, vai trò của luật sư là giúp HĐXX xác định rõ sự thật khách quan, bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh xét xử oan, sai. Để nâng cao chất lượng xét xử, điểm mấu chốt quan trọng là phải bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình. Bảo đảm để luật sư và những người tham gia tố tụng thực hiện quyền trình bày hết ý kiến, việc tranh tụng giữa luật sư với đại diện Viện kiểm sát phải được bảo đảm, xóa bỏ tình trạng dừng ngắt, hạn chế thời gian trình bày lời bào chữa của luật sư. Bảo đảm phán quyết của Toà án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra công khai chứng cứ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa mới tránh được việc kết án oan và xét xử sai trong hoạt động xét xử.
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của Thẩm phán cũng có mối liên hệ chặt chẽ với tính độc lập của họ. Một Thẩm phán yếu về chuyên môn và tư cách đạo đức kém thường không giữ được tính độc lập trong hoạt động nghề nghiệp của mình.
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, Tòa án các cấp phải xây dựng, củng cố được đội ngũ cán bộ trong sạch, có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, có phẩm chất đạo đức tốt và phải thật sự công tâm. Kết quả giải quyết cuối cùng của một vụ án có đúng pháp luật hay không đều xuất phát từ phán quyết của Tòa án nhân danh Nhà nước. Nếu những người làm công tác xét xử không vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ, không công tâm khi ra phán quyết; luôn bị chi phối bởi thành tích cá nhân, lợi ích vật chất hay bị áp lực bởi cá nhân, cơ quan, tổ chức nào đó thì không thể đưa ra những phán quyết công minh để người dân “tâm phục, khẩu phục” và xã hội đồng tình. Bộ máy Tòa án có trong sạch, vững mạnh, liêm chính hay không thì không phải tự thân từ bộ máy ấy tạo ra điều đó mà phụ thuộc vào ý thức và hoạt động nghề của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ trong toàn hệ thống. Nếu họ giữ vững tinh thần “chí công, vô tư”, thượng tôn pháp luật, đạo đức chuẩn mực, liêm khiết, đề cao nguyên tắc tranh tụng trong xét xử thì chất lượng xét xử chắc chắn được nâng lên, các vụ án oan, sai sẽ không còn.
Một điểm nữa cũng ảnh hưởng đến độc lập, liêm chính của Thẩm phán cần phải thay đổi là, chế độ đãi ngộ đối với Thẩm phán hiện nay mặc dù có mức lương cao hơn so với mức lương chung của các ngành khác, song vẫn thấp so với nhu cầu đảm bảo đời sống và tích lũy cho họ và gia đình. Pháp luật hiện nay chưa có các quy định cụ thể về quyền miễn trừ của Thẩm phán. Ở nhiều quốc gia như Mỹ, Đức, Nhật Bản,… vấn đề miễn trừ trách nhiệm đối với Thẩm phán được quy định ngay trong Hiến pháp. Sự thiếu vắng những quy định này có thể gây rủi ro cho các Thẩm phán trong hoạt động nghề nghiệp và vì vậy ảnh hưởng đến việc xét xử độc lập của họ…
Như vậy có thể thấy rằng, để có một Tòa án liêm chính, bảo vệ công lý, sự độc lập của Tòa án, Thẩm phán đã được các thiết chế ghi nhận, song việc áp dụng trên thực tế là cả một quá trình. Những năm qua, với vai trò, nhiệm vụ của mình, Tòa án đã tiệm cận đến góc độ thực sự là cán cân công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong nhà nước pháp quyền. Hy vọng chương trình hành động của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình sẽ là bước khởi đầu mới và sự tiếp nối nền tảng về một nền liêm chính của Tòa án như Hiến pháp 2013 đã giao nhiệm vụ, để Tòa án thực sự là nơi người dân đặt niềm tin vào công lý.
LS. Nguyễn Văn Chiến, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Phó Chủ tịch LĐLSVN
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.